Tháng Mười Hai 2, 2024

Du khách nước ngoài bất ngờ khi chứng kiến cốm gạo nổ như pháo Tết ở miền Tây

Nếu để đưa ra danh sách các loại quà vặt mang ký ức của tuổi thơ thì chắc hẳn ai cũng sẽ liệt kê ra món cốm gạo hay còn gọi là bỏng nổ. Món ăn này cũng chẳng biết có tự bao giờ nhưng nó đó đích thị là món ăn vặt tuổi thơ ai cũng từng ao ước. Giờ đây nhắc đến món ăn này, nhiều người phải hét toáng lên vì nhớ, vì thèm.

Thân quen là thế nhưng chưa chắc bạn đã biết công đoạn làm ra những chiếc bỏng nổ này công phu và thú vị đến thế nào đâu. Không phải như những chiếc bánh gạo dài trên con xe xình xịch thông thường, mà cốm gạo ở đây được tạo ra sau một tiếng nổ “to như pháo rang” theo đúng nghĩa đen.

Mới đây, một đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội với nội dung du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm nổ cốm gạo ở miền Tây, lập tức nhận về hơn 3 triệu lượt xem và hàng nghìn lượt yêu thích. Nhiều du khách thích thú còn ví von đây là phiên bản pháo nổ Việt Nam, có người còn cảm thấy bất ngờ bởi nếu không sống ở khu vực miền Tây thì ít ai được chứng kiến cảnh nổ cốm độc lạ này. 

Du khách nước ngoài thích thú khi xem và thử trải nghiệm nổ cốm gạo. (Ảnh: @ConSon)

Gọi là cốm nhưng lại không phải thứ cốm dẻo dẻo làm bằng lúa nếp non như hạt cốm ở đồng bằng Bắc Bộ. Cốm ở đây là từ gạo tẻ, gạo nếp hoặc bắp ngô, được rang thành bỏng rồi ép thành bánh. Mỗi khi có ghe nổ cốm về đến xóm, chắc chắn đứa trẻ nào cũng háo hức, quây quần mà rủ nhau đi xem cốm nổ. 

Chỉ với vài đồ nghề và nguyên liệu đơn giản như gạo, bếp lửa, một quả nổ và một túi mành để chứa cốm. Gạo sẽ được cho vào ống sắt quay trên bếp lửa cho đến khi đủ độ nóng để bung thành hạt cốm. Thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng nếu không quay đều tay rất dễ khiến cho gạo trong ống sắt nổ không giòn. 

Gạo đựng trong ống sắt đun trong bếp lửa nóng. (Ảnh: @ConSon)

Sau khi đã đạt đến độ nóng nhất định, người thợ sẽ mang quả nổ rời khỏi bếp lửa, đặt một phần quả nổ vào túi mành, vừa giữ vừa đập lẫy cò trên nắp quả nổ. Ngay lập tức một tiếng “đùng” vang lên, tiếng nổ cốm ầm ầm khắp xóm lại vui, to như tiếng pháo nổ. Sau tiếng nổ ấy thì hình hài hạt gạo liền thay đổi, thay vào đó là những hạt cốm nóng hổi, trắng tinh văng vào trong túi mành. 

Thông thường người ta sẽ gom lại mang cốm nổ đi ngào đường, bởi ăn không sẽ rất nhạt, cứ thế mà gạo nổ xong sẽ được cho vào ngào đường và ép thành hình cầu hoặc khối chữ nhật tạo nên món ăn tuổi thơ quen thuộc, đậm đà hương vị miền quê. 

Ảnh: @ConSon, @Diadiemanuong

Ngày nay, cốm gạo nổ vẫn là món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Dạo quanh các gánh hàng rong, cửa hàng tạp hóa thì không khó để tìm ra món cốm gạo nổ này. Và tất nhiên, cốm nổ được làm sẵn đóng gói bảo quản rồi thì làm sao sánh được việc ăn cốm ngay tại chỗ, vừa mới ra lò. 

Ảnh: @Kontumquetoi

Hiện nay, nghề làm cốm truyền thống này đã dần bị mai một hẳn đi. Chắc chỉ còn lại một vài nơi vẫn duy trì nghề gốm theo dạng cơ sở sản xuất. Không chỉ là miền ký ức, mà cốm nổ đang dần trở thành một nét văn hóa trong lao động sản xuất, trải nghiệm làm cốm nổ cũng là một trong những hoạt động được nhiều người yêu thích trong các tour du lịch miền sông nước. 

Chỉ là chiếc bánh dân dã, bình dị, thế nhưng không biết đã chứa đựng biết bao ký ức tuổi thơ của nhiều người và cũng bởi vì giản đơn nên “cốm nổ” là niềm vui tuổi thơ đầy ắp hương đồng gió nội. 

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version