Dưới đây là bí quyết muối dưa cải ngon, giòn đơn giản và dễ thực hiện.
Nguyên liệu
1kg cải bẹ xanh to, 20gr hành lá 1200 ml nước lọc 3 củ hành tím,3 quả ớt 50gr muối hột hoặc muối bọt 10gr đường vàng
Cắt bớt lá cải sâu, già và phần lõi non của cải (phần lõi non sẽ khiến dưa muối bị đắng). Phơi lá cải ra nắng hoặc gió nửa ngày đến khi lá hơi héo. Rửa và ngâm lá cải với nước muối nhạt. Để ráo nước và cắt lá dưa dài khoảng 4 cm. Hành lá rửa sạch, thái dài 4 cm. Hành tím rửa sạch, đập dập nhưng không đập nát. Ớt rửa sạch, cắt cuống, để nguyên quả. Tráng hũ thủy tinh dùng muối dưa với nước nóng và phơi ra nắng để khô nước và diệt khuẩn. Xếp phần cọng lá dưa xuống đáy; lá dưa, hành tím, hành lá và ớt để lên trên. Đun nước sôi, để nguội khoảng 40 độ C rồi cho vào 50 gr muối, 10 gr đường vàng, khuấy tan. Đường vàng sẽ giúp dưa có màu sắc đẹp hơn. Đổ phần nước vừa pha vào hũ. Chèn vỉ hoặc đĩa rồi đậy nắp để 2-3 ngày là có thể sử dụng
Dưa cải muối ăn kèm thịt luộc hoặc dùng làm món xào, canh chua hay kho cá đều rất ngon.
Những lưu ý khi ăn dưa muối
– Dưa muối sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu nguyên liệu chế biến không sạch, có chứa dư lượng thuốc trừ sâu, nitrat hay các kim loại nặng, trứng giun sán và vi khuẩn gây bệnh; dụng cụ để ngâm muối (lọ thuỷ tinh, hũ, hộp nhựa,…) bị nhiễm bẩn hoặc chứa các chất có hại (chì, asen, thủy ngân, cadimi…) vì những chất này sẽ rất dễ nhiễm vào dưa trong quá trình muối.
– Khi ăn dưa muối, dịch vị trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitric tác động vào các thực phẩm có chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, mắm… để tạo thành một hợp chất là nitrosamine, có thể gây ung thư. Như vậy, để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine, chúng ta không nên ăn dưa muối khi còn màu xanh, vị cay hăng hay ăn dưa muối đã bị khú.
– Người có bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày thì không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi.
– Nguyên liệu chế biến phải sạch: sửa sạch dụng cụ muối dưa, rau cải phải được rửa sạch để loại bỏ các chất trừ sâu còn sót lại khi thu hoạch.
– Chỉ nên ăn dưa ngả màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm. Tránh ăn dưa muối khi có màu xanh, vị cay hăng, có màu xỉn, mùi lạ, váng mốc đen (dưa khú).
– Trước khi ăn, nên rửa, vắt sạch dưa để loại bỏ vi khuẩn, giảm độ mặn và độ chua của dưa.
– Không nên ăn quá nhiều và thường xuyên (vì như vậy có nguy cơ bị cao huyết áp, sỏi thận); Khi bụng đói, nên ăn dưa muối kèm với món khác…