Cha lau khuôn bánh in trong một sáng xuân- Ảnh: tác giả cung cấp
Để có mẻ cốm Tết, ngay từ vụ thu hoạch hè thu cho đến vụ thu đông, má phải cẩn thận để riêng phần nếp hương vì nếu lẫn với các loại lúa khác thì làm cốm sẽ không được dẻo thơm như ý muốn.
Nếp hương được phơi nắng khô giòn, má giần sàng thật sạch rồi để vào thùng phuy đậy kín, phòng ngừa chuột phá và mối mọt. Hai mươi tháng chạp, má mang ra phơi lại một lần nắng mới trước khi mang đi xay thành gạo nếp.
Tôi còn nhớ ngày nổ cốm nếp là ngày mong đợi nhất trong năm. Ngay từ mờ sáng, lũ trẻ quê chúng tôi đã chực chờ ba má về mang theo hương cốm nếp thơm lừng cả gian nhà, và thể nào cha cũng cho mỗi đứa một nắm bỏng thơm dẻo ngon không thể tả.
Trong chiếc bao cha mang trên vai, có hai phần riêng biệt, phần bỏng cốm và bột nếp. Tối hôm ấy, dưới ánh lửa bập bùng sưởi ấm trong tiết trời tháng chạp rét căm gió núi, cả gia đình bắt đầu làm bánh.
Má mở chiếc chum sành đựng đường đen nấu thủ công, lấy lượng mật tiết ra dưới đáy chum đem sên trên chiếc chảo đồng cho tới, rồi trộn đều vào phần bột cốm. Khi trộn bột phải nhanh và đều tay để bột có độ sánh nhẹ, không khô cũng không nhão.
Chiếc chum sành đựng đường rút mật để làm cốm
Má múc đổ vào chiếc khuôn gỗ, cha cùng anh hai dùng chiếc chày giã gạo đè giữ thăng bằng lên trên sao cho bột bánh nén lại thành hình. Chúng tôi nhìn những chiếc bánh đã in chắc nịch, mang hình những chiếc bông năm cánh, hình vuông hình tròn khắc trong khuôn gỗ, thấy Tết đã ngập tràn!
Trong lúc in bánh, má thường cho chúng tôi những cái bị móp góc hoặc không chắc bột, tôi không dám ăn nhanh, sợ cái dẻo thơm của bột nếp hương no nắng mới quyện trong mật mía ngọt thanh sẽ trôi nhanh xuống cổ.
Tôi muốn nhấm nháp “vị Tết” của riêng mình thật lâu, thật đằm trong không gian ám đầy muội khói.
Phần hạt cốm má cũng trộn cùng với mật, vo tròn thành viên cốm nhỏ hơn cổ tay. Lớp mật mía tới đường dẻo ngọt, kết dính với hạt bỏng thơm cả giấc mơ thời thơ ấu. Bánh in xong, má không cất ngay mà sắp đều lên chiếc nia tre, để trên gác bếp, phía dưới để ít tro và than nóng.
Sáng hôm sau, những chiếc bánh cốm in se cứng hơn bởi được hong than lửa một cách âm ỉ, từ từ. Và dường như chính cái tàn hương khói than tháng chạp càng làm dậy hơn mùi thơm cốm mới, mùi mật ngọt và cả chút lẩn khuất của nắng mưa, sương gió vụ mùa.
Má cẩn thận lấy từng cái một cho vào chiếc thẩu chai và bao giờ cũng chọn những chiếc bánh đều tay và đẹp nhất để bày lên ban thờ để cha thành kính thắp hương cho ông bà, tiên tổ.
Tôi đi qua bao cái Tết ấu thơ ở làng là bao nhiêu tháng chạp được quây quần bên gia đình cùng nhau làm bánh in đón Tết.
Và dẫu nắng mưa dập dồn, dẫu mùa màng ấm no hay thất bát, năm nào má cũng vun vén để có cái Tết ấm áp nhất có thể.
Cha và má dẫu không còn khỏe để tự tay gặt đám nếp hương, tự tay túm nút lá chuối khô, kê cao chiếc chum sành để rỉ mật đường nhưng vẫn lặng lẽ lau bóng nước thời gian từng thứ một.
Nơi gian bếp nhỏ, chiếc khuôn gỗ in bánh, chiếc lu đất và cả chiếc chảo đồng để sên mật lặng yên nằm đó như chứng nhân đổi thay.
Tôi đi dọc con đường làng quanh co, đứng bên thửa ruộng nếp cha trồng, sau vụ lụt giờ trắng khô gié nếp. Lũ chim sẻ ri rúc đầu tìm những hạt lưng lửng còn sót lại. Trong cái rét se cuối năm, vẫn còn phảng phất hương nếp, hương của chiếc bánh in thương nhớ thuở nào.