Những hình ảnh đáng lo ngại từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy một “bóng ma” màu đỏ khổng lồ đang di chuyển từ sa mạc Sahara, băng qua Đại Tây Dương, tiến về phía vùng Caribean, thứ có thể gây ra “mưa máu“.
Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của ESA cho biết “bóng ma màu đỏ” dự kiến sẽ tới vùng cung núi lửa Lesser Antilles của Caribean và Puerto Rico vào ngày 16 và 17/5.
Theo Daily Mail, đó là một đám mây bụi khổng lồ. Sau khi di chuyển qua Caribean, nó sẽ đến khu vực bán đảo Ibera và Tây Âu vào ngày 20 và 21/5, gây mưa máu đáng sợ ở nhiều nơi từ ngày 20/5.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám mây bụi đỏ lớn đang di chuyển về phía châu Âu – Ảnh: CAMS |
Nhà khoa học cao cấp Mark Parrington của CAMS nói với MailOnline: “Hầu hết luồng di chuyển của bụi có thể đạt được độ cao lớn hơn, dẫn đến bầu trời mở ảo hơn và ảnh hưởng đến chất lượng không khí bề mặt”.
Một đám mây bụi đỏ tương tự từng đổ bộ vào Tây Âu hồi giữa tháng 3, biến bầu trời nhiều nơi thành màu cam ma quái, bao phủ nhiều ô tô, nhà cửa bằng lớp bụi đỏ mịn. Vì thế “mưa máu” sẽ thực sự đáng sợ vì có thể khiến nhiều thứ ngoài trời bị đóng cặn đỏ sau khi tạnh mưa.
Nước Anh trong một lần chìm trong mây bụi đỏ trước đây – Ảnh: ALAMY |
Tiến sĩ Parrington giải thích thêm rằng nguồn phát sinh bụi trong khí quyển phụ thuộc vào các kiểu gió ở Sahara. Mùa hoạt động mạnh nhất là mùa xuân nhưng mây bụi dày đặc cũng có thể xảy ra vào các thời kỳ khác trong năm.
Các đám bụi được hình thành khi gió mạnh cuốn cát và các trầm tích hữu cơ khác từ sa mạc và đưa nó vào tầng đối lưu của bầu khí quyển. Do thời điểm này nhiều nơi bắt đầu có mưa nên ngoài việc khốn khổ vì bụi, nhiều quốc gia phải chịu đựng thêm việc các đám mây bụi đỏ này hòa vào mưa, trở thành “mưa máu”.