Tháng Một 8, 2025

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Sẽ có bảo tàng về Khoa học và các nhà khoa học

Bảo tàng về Khoa học và Các nhà khoa học

Trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, có một điều ông ấp ủ, tâm huyết, đã lên ý tưởng và đang tiến hành thực hiện, đó là Bảo tàng về Khoa học và các nhà khoa học Việt Nam. Đây là một hoạt động bảo tàng còn rất mới mẻ ở Việt Nam, gắn liền với lịch sử các ngành, các lĩnh vực khoa học.

Chân dung PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Việc làm bảo tàng về Khoa học và các nhà khoa học có rất nhiều ý nghĩa. Trong đó, một ý nghĩa quan trọng đó là cho chúng ta thấy được sự năng động, sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam.

Điều đó thể hiện ở mỗi giai đoạn, bối cảnh lịch sử khác nhau, các nhà khoa học đều có những sáng tạo phục vụ cho đất nước rất hiệu quả. Đặc biệt, trong các thời kỳ khó khăn như chiến tranh hay bao cấp, họ vẫn có những đóng góp to lớn.

“Qua đó, chúng ta có thể học tập được rất nhiều phẩm chất đẹp của con người, của các nhà khoa học, đặc biệt là sự vượt khó vươn lên.

Cùng với đó, chúng ta cũng hiểu được lịch sử phát triển của  từng ngành, từng lĩnh vực của khoa học Việt Nam trong gần 80 năm, từ 0 cho đến có, từ những lĩnh vực rất chung mà cho đến giờ đã phát triển nhanh, nhiều. Điều đó cho thấy sự phát triển của nền khoa học nước nhà”, ông Huy nói.

 PGS Nguyễn Văn Huy giới thiệu với khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, trong quá trình thực hiện công việc, có rất nhiều những nhà khoa học khiến ông cảm phục. Họ là tấm gương về sự lao động, sáng tạo, cống hiến hết mình cho khoa học không mệt mỏi, bất chấp trở ngại. Tiêu biểu là như trường hợp của GS. Tôn Thất Tùng.

GS. Tôn Thất Tùng đã trải qua những giai đoạn đất nước khó khăn nhất, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ… Thế nhưng, vị bác sĩ tài ba này đã tạo ra những thành công thuộc diện đỉnh cao, khiến thế giới phải nể phục. Phương pháp cắt gan khô – phương pháp Tôn Thất Tùng đã được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn thế giới sử dụng, cứu sống vô số sinh mạng bệnh nhân khi thời gian ca mổ rút ngắn xuống còn 4-8 phút.

Có thể nói, mỗi thời kỳ, giai đoạn, Việt Nam đều có những nhà khoa học xuất sắc. Sau GS. Tôn Thất Tùng, còn rất nhiều những tên tuổi các nhà khoa học nổi danh khác. Ví dụ, GS. Nguyễn Văn Hiệu đã mang lại những đóng góp to lớn cho ngành Vật lý, tầm cỡ quốc tế…

Và những câu chuyện, tư liệu về họ khiến PGS.TS. Nguyễn Văn Huy rất xúc động. Từng cuộc đời của các nhà khoa học được lật giở lại, như những cuốn phim sống động, chân thực.

 Một bản sao chép tay Nghị định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký ngày 10/9/1950. Văn bản cho chúng ta biết: Ngay từ năm 1950 vào thời điểm cuộc kháng chống thực dân Pháp mới diễn ra 3 năm. Bộ Giáo dục đã có tầm nhìn xa, chuẩn bị việc thành lập Viện Văn học nghệ thuật và Viện Sử học. Ban Sử học được thành lập trước đó lúc này nhập vào Ban này để xúc tiến việc thành lập hai Viện này. Đây là tư liệu rất quý. Ảnh: NVCC.

Hiện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận khoảng hơn 2.000 nhà khoa học và sưu tầm rất nhiều những tư liệu về các nhà khoa học. Trong đó, có những tư liệu do chính nhà khoa học tự kể về ký ức của mình.

“Nhìn những sổ tay, giấy tờ, bản thảo của các nhà khoa học, chúng ta mới biết được lao động khoa học vất vả như thế nào. Điều đó đem lại thật nhiều cảm xúc. Mà tôi cho rằng ai cũng vậy thôi. Khi nghe những câu chuyện, tiếp cận những tư liệu thì đều có sự cảm phục đối với những nhà khoa học chân chính đã có những đóng góp ý nghĩa cho đất nước”, ông Huy nói.

Lưu bút của khách bày tỏ niềm xúc động khi đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: NVCC.

Ông Huy “tiết lộ”, hiện nay Bảo tàng về Khoa học và Các nhà khoa học đang được xúc tiến thực hiện. Trong khoảng từ 3-5 năm, bảo tàng này sẽ ra đời. Bảo tàng nằm trong Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong, Hòa Bình.

Những câu chuyện về khoa học và các nhà khoa học sẽ được kể giống như cách mà ông Huy đã làm với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những thú vị, hấp dẫn hơn bởi giờ còn có nhiều công nghệ hỗ trợ.

Phấn đấu để người dân đến bảo tàng phải xếp hàng

Năm 1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách. Khi đó, ở cương vị giám đốc, ông Huy đã đem đến một cuộc “cách mạng” về bảo tàng, khiến giới bảo tàng ở Việt Nam phải thay đổi quan niệm về cách làm bảo tàng “truyền thống”.

 Khách đến tham quan nhà người Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, thay vì chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật không câu chuyện như nhiều bảo tàng, thì Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã để cho người dân trực tiếp chia sẻ tiếng nói, chia sẻ văn hóa của mình với khách tham quan, thông qua những clip dựng bằng lời, buổi biểu diễn…

Bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc ở khắp các miền của đất nước. Người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách…

Nhiều trưng bày có tiếng vang ở trong và ngoài nước đã được thực hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như trưng bày Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp, 1975-1986 (2006); 100 năm đám cưới Việt Nam; Làng thuốc nam Đại Yên (2003); Đồ vải của người Thái ở tiểu vùng sông Mekong (2004)…

Ông Huy đã góp phần đưa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành một thương hiệu bảo tàng hàng đầu của đất nước, thu hút khách tham quan nhất ở Hà Nội.

Ông Huy chia sẻ, cho đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vẫn là công trình khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất. Mô hình này rất thành công, tạo ra cách thức hoạt động mới cho các bảo tàng.

Sau hơn 20 năm gắn bó với hoạt động bảo tàng, điều trăn trở nhất hiện nay của ông Huy là chất lượng của các bảo tàng Việt Nam chưa theo kịp với quốc tế. Chính vì thế mà khách đến thăm rất ít.

Các em học sinh tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chăm chú nghe lời “thuyết minh” từ chính PGS.TS Nguyễn Văn Huy . Ảnh: NVCC. 

Làm thế nào để các bảo tàng phải đông khách, và khi người dân đến bảo tàng là phải được chiêm ngưỡng, trải nghiệm là bài toán ông luôn đau đáu.

“Thử nhìn các nước, mỗi khi người dân đến bảo tàng phải xếp hàng để được xem. Nhưng bảo tàng ở ta thì chẳng ai xếp hàng, rất vắng vẻ. Đó là trăn trở lớn nhất của tôi. Chúng ta cần phải phấn đấu thay đổi điều này”, ông Huy nói.

Ngoài Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong khoảng 10 năm về hưu, ông Huy cũng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến bảo tàng, trong đó là một loạt các bảo tàng nhỏ nhưng mang tính đổi mới. Ví dụ, Bảo tàng Hải quan, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Lai Xá…

Theo ông Huy, bảo tàng nhỏ là xu hướng mới, cần phải khuyến khích. Bởi những bảo tàng nhỏ rất dễ để cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Trong một tỉnh nếu có nhiều bảo tàng nhỏ, hình thành được một hệ thống bảo tàng thì có thể phục vụ cho du lịch, văn hóa rất tốt, có giá trị không kém bảo tàng lớn.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (sinh ngày 3 tháng 8 năm 1945) là một nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Ông được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2018; Giải thưởng của Rockefeller 3rd Award (Asian Culture Council, 1998); Giải thưởng Trợ giúp những người thợ thủ công Aid to Artisans Award của Tổ chức Hỗ trợ những người thợ thủ công, Mỹ (2002); Huân chương Kỵ sĩ về nghệ thuật và văn học (Cộng hòa Pháp, 2007).

Ông là một trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022.

 

Mời quý độc giả xem video: Xem video “GS TS Trần Quang Hải trình diễn kỹ thuật đồng song thanh”. Nguồn Vietnamnet. 

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version