Mâm cỗ ngày Tết luôn mang ý nghĩa quan trọng đối với bất cứ gia đình nào bởi nó xuất phát từ tấm lòng thành dâng lên kính tổ tiên.
Nếu kể đến các món ăn ngày Tết của người Việt thì nhất định phải là bánh chưng, bánh tét nhưng một món ăn quen thuộc hàng ngày với tất thảy mọi người chính là giò chả lại vô cùng đặc biệt trong mâm cỗ. Sự khác biệt lớn nhất của món giò chả một phần đến từ cách trình bày trên mâm cỗ. Trong một ngày lễ đặc biệt phảng phất mùi nhang thơm trên mâm cỗ cúng gia tiên, việc dâng món giò chả mang ý nghĩa cầu mong “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”.
Có thể hiểu, “trong ấm ngoài êm” tức là giò chả phải thơm ngon và còn ấm mới cho ra thành quả như ý muốn. Thứ hai, phần ý “ngoài êm” thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận từ cách bọc lá chuối 3 lớp để bảo quản một cách tự nhiên nhất theo thứ tự lá non nhất bên trong, còn bên ngoài cùng là lá xanh già. Công đoạn lựa chọn lá chuối cũng rất quan trọng, phải chọn lá xanh, mượt. Trước khi gói, phải hong lá chuối trên hơi nước sôi rồi lau khô để tạo độ dẻo khi gói.
Giò chả là món ăn biểu trưng cho sự giàu sang, phú quý, cầu cho phúc lộc tới nhà. Từ xa xưa, món ăn truyền thống này đã được nhiều gia đình Việt Nam lựa chọn dâng lên kính các vị thần tổ tiên mong muốn một khởi đầu năm mới suôn sẻ, mọi việc hanh thông.
CÁC LOẠI GIÒ CHẢ NỔI TIẾNG MIỀN TRUNG
1. Giò bê
Giò bê hay còn gọi giò me là một món đặc sản của mảnh đất Nghệ An địa linh nhân kiệt. Không biết tự bao giờ món ăn dung dị thân quen này đã trở thành món ăn mang ra đãi khách vào dịp Tết đầu năm.
Giò bê được chế biến từ thịt bê nguyên tảng kết hợp cùng nước hầm xương bê tạo độ ngọt và các gia vị như tiêu, nước mắm. Sau khi trộn các gia vị, thịt bê được đem đi cuộn gói lại và hấp cách thủy khoảng 5-6 giờ. Khi chín, giò bê có màu hồng rất bắt mắt, bên ngoài vỏ giò màu hơi vàng. Hương vị vô cùng thơm ngon, thịt ngọt mềm, rất hợp ăn mùa Tết khi có quá nhiều món khiến chúng ta dễ ngán.
Không chỉ là món ăn ngon, giò bê hay giò me còn mang nhiều ý nghĩa cho thực khách bởi hương vị quê hương và khoảnh khắc bữa cơm gia đình sum vầy.
2. Chả thẻ
Chả thẻ có xuất xứ từ mảnh đất cố đô Huế, vậy nên nó còn được gọi với cái tên chả Huế – một món ăn vừa lạ vừa quen khiến nhiều người mê mẩn.
Chả thẻ được làm từ thịt lợn tươi ngon trộn cùng bột nở, tỏi, tiêu, nước mắm, hạt nêm, đường, bột năng và đặc biệt là hành tỏi phi vàng. Sau đó gói lại bằng lá chuối, cuộn chặt, gập hai đầu rồi đem đi hấp khoảng 20 phút thì vớt ra.
Khi ăn, chả Huế có độ dai, giòn vừa đủ, giữ được độ ẩm và đậm vị. Ngoài ra, chả Huế cũng có thể ăn kèm với bún bò mang hương vị đậm đà nhớ mãi không quên.
3. Giò bò
Giò bò hay chả bò là đặc sản của vùng đất võ Bình Định, được làm từ 100% thịt bò nguyên chất. Thịt bò được dùng là từ phần đùi, loại bỏ gân và xay nhuyễn.
Khi chế biến món chả bò, cần lưu ý các gia vị đi kèm như hành tím, tiêu, hạt nêm, nước mắm, bột năng, bột nở để cho phần thịt kết dính tạo độ dẻo thì chả bò mới có độ dai nhất định và thơm hơn. Sau đó, bọc lá chuối bên ngoài rồi mang đi hấp 45-60 phút.
Cắn một miếng chả bò, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon đậm đà từ thịt, mùi thơm nức lòng. Có thể thưởng thức chả bò chấm cùng tương ớt hay đậm đà hơn khi ăn với bánh cuốn nóng, bánh tráng cuốn kèm rau sống.
Bên cạnh vẻ dung dị nhưng vẫn giữ nét sang trọng, giò chả nói chung còn mang ý nghĩa sâu sắc trong ngày Tết với mong ước vạn điều suôn sẻ, phúc lộc đầy nhà. Dù có ở vùng miền nào, giò chả đều ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa; đó là những mong cầu, lời chúc cho sự an yên, ấm êm và hướng tới một cuộc sống đủ đầy trong năm mới.