Bánh canh là món ăn phổ biến dọc khắp mảnh đất Việt Nam, và ở mỗi vùng miền lại có một phiên bản khác nhau với đa dạng cả về nguyên liệu lẫn cách chế biến.
Đến với miền Tây sông nước, địa điểm nổi tiếng cùng loạt món ăn biến tấu từ vị nước cốt dừa béo ngậy, thực khách sẽ được thưởng thức một phiên bản bánh canh độc đáo không thể tìm thấy ở nơi nào khác – bánh canh mặn nước cốt dừa.
Món bánh canh này đậm chất miền Tây với nguyên liệu dân dã từ nước cốt dừa, kết hợp với thịt tôm ngọt thanh. Những sợi bánh canh bột xắt làm hoàn toàn thủ công từ bước nhào bột đến cắt sợi – đây cũng là một trong những điểm nhấn của món ăn.
Bánh canh mặn nước cốt dừa gây thương nhớ với nước dùng sền sệt, thơm béo mùi nước dừa hòa cùng những sợi bột dai, mềm, mịn mang đến hương vị mới lạ, đầy hấp dẫn.
Là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của món ăn, tất nhiên yếu tố quyết định độ ngon của tô bánh canh chính là phần nước dùng. Dừa khô sau khi nạo thì vắt lấy nước cốt để riêng, nước dão sẽ đem nấu cho đến khi sôi thì tiếp tục bỏ sợi bánh canh, tôm vào, nêm nếm đến khi vừa ăn. Cuối cùng, người nấu sẽ cho tiếp nước cốt dừa vào và khuấy đều.
Bên cạnh nước dùng đạt chuẩn, sợi bánh canh để ăn kèm cũng phải là loại ngon, được làm thủ công để cho ra sợi màu trắng đục, khi nấu xong đạt được độ mềm vừa phải.
Một nồi bánh canh mặn nước cốt dừa đơn giản là thế nhưng lại chứa đầy hương vị khó cưỡng. Tùy theo sở thích và cách biến tấu của người bán mà có món ăn có thể dùng kèm với nhiều nguyên liệu khác như thêm chả, riêu cua, thịt bằm…
Nhưng cơ bản nhất, một phần bánh canh mặn nước cốt dừa với sợi bánh canh loại ngon, nước dùng béo thơm kết hợp với thịt tôm dai dai, vài lát rau mùi, hành lá nữa là đã đủ làm say lòng thực khách.
Thưởng thức từng đũa bánh canh sền sệt, cảm nhận vị hương vị lạ lẫm pha lẫn giữa cái ngọt ngọt, mằn mặn của dừa, bánh canh và tôm hòa với nhau, dậy lên mùi thơm của nước cốt béo ngậy khiến thực khách thích thú cứ muốn ăn mãi không thôi.