Tháng Mười Hai 2, 2024

Tại sao trên thế giới món bánh trông như khúc gỗ lại trở thành ‘huyền thoại’ trong đêm Giáng Sinh?

Bánh khúc cây, hay còn gọi là Bûche de Noël, Yule Log, Christmas Log là món bánh tráng miệng nổi tiếng của Pháp. Bánh khúc cây là một loại bánh xốp mỏng được cuộn tròn quanh nhân ngọt và phủ sô cô la bên ngoài để tạo hình thành khúc gỗ. Bánh thường được thưởng thức sau bữa tối Giáng sinh hoặc bữa ăn Giáng sinh vào ngày 25/12.

Đằng sau lý do loại bánh có hình khúc gỗ này là cả một câu chuyện dài…

Khi đêm ngắn nhất trong năm đến gần, nước Pháp bước vào kỳ nghỉ đông truyền thống. Các gia đình cùng nhau thực hiện các hoạt động trong mùa lễ kéo dài khoảng 1 tháng như bắt đầu Mùa Vọng (vào đầu tháng 12) và kết thúc bằng Lễ Hiển Linh (6/1). Ở Pháp và nhiều nước châu Âu khác, người dân sẽ có chợ Giáng sinh ngoài trời, rượu ngâm theo mùa chẳng hạn như rượu táo nóng hoặc mua quà ở các khu mua sắm. Tuy vậy, trên thế giới, người ta ấn tượng hơn cả là truyền thống độc đáo ăn bánh khúc cây.

Bánh khúc cây từ khởi nguồn xa xưa

Bánh khúc cây bắt nguồn từ những câu chuyện xưa, nơi nuôi dưỡng nên những ‘hương vị’ đậm sự màu nhiệm. Từ xưa rồi, xưa lắm, khi những khúc gỗ sồi thật được trang trí để đốt cháy kỉ niệm ngày Đông chí mong một vụ mùa bội thu trong năm mới.

Nguồn gốc của bánh khúc cây có lẽ bắt nguồn từ người Celt. Ngày Đông chí (hay còn gọi là lễ hội Yule) được tổ chức với nhiều nghi lễ lớn. Khúc gỗ được đốt để chào mừng mặt trời sẽ trở lại vào mùa xuân, ánh nắng ngập tràn và mang đến nhiều điều may. 

Vào ngày ngắn nhất trong năm, người Celt sẽ tìm kiếm một thân cây sồi, cây du hoặc anh đào lớn và đốt nó như một biểu tượng cho sự tái sinh của mặt trời. Trong thời Trung cổ, nghi lễ đốt gỗ phức tạp hơn. Bản thân các khúc gỗ sẽ được trang trí bằng ruy băng và lá xanh. Sau đó, thành viên nhỏ nhất và lớn tuổi nhất trong mỗi gia đình sẽ mang khúc gỗ đến lò sưởi và đốt nó trong ngọn lửa sẽ cháy suốt đêm. Người ta cho rằng những khúc gỗ này giúp chữa được nhiều bệnh tật và bảo vệ ngôi nhà khỏi sự độc ác của linh hồn ma quỷ.

Họ tin rằng, những ngọn lửa ấm áp được tạo ra từ gỗ sồi vào đêm Giáng sinh sẽ giúp xua đuổi tà ma. Đồng thời, họ sẽ giữ lại than hồng và tro. Than hồng giúp giữ ấm, bảo vệ ngôi nhà và tro sẽ được rải vào mùa xuân trên các cánh đồng với mong ước một mùa vụ bội thu.

Một khúc gỗ thật được chọn lựa kĩ càng, trang trí và đốt vào đêm Giáng sinh. Khúc gỗ ấy được dùng trong cả mùa Giáng sinh và sang năm mới không bị cái lạnh của mùa đông làm tê tái. 

Thời gian qua đi, khi những lò sưởi đốt củi không còn thịnh hành và những cây sồi già dần ít đi, một chiếc bánh hình khúc cây được đặt trên bàn trong mùa lễ Giáng sinh thay thế cho khúc gỗ thật như một cách tượng trưng đặc biệt.

Đối với người phương Tây, bánh khúc cây trong mùa Giáng sinh là một cách đơn giản để giữ truyền thống gia đình.

Bánh khúc cây có nhiều phiên bản nhưng chủ yếu vẫn là phần cốt bánh được cuộn thành hình khúc gỗ, phủ một lớp kem lên và trang trí bằng đường, quả mọng, lá cây ô rô, lá vân sam,… 

Cách làm bánh khúc cây cho lễ Giáng sinh

Nguyên liệu cần thiết

Phần cốt bánh:

Trứng gà – 4 quả

Đường – 140g, bột mì – 100g, bột nở – 11g

Phần topping:

Sô cô la – 250g

Bơ để mềm – 200g

Sáng tạo bánh khúc cây thôi nào!

Bước 1: Làm phần cốt bánh

Bật lò nướng ở 180 độ C. Tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng gà.

Trong một bát tô để lòng đỏ, thêm đường và 3 muỗng nước ấm đánh đều đến khi nổi bọt. Thêm bột mì, bột nở vào. Trộn đều.

Bát có lòng trắng trứng đánh bông lên. Sau đó trộn vào bát bột đã đánh từ trước.

Đổ bột vào khuôn phẳng có lót giấy nến. Nướng trong lò khoảng 10 đến 15 phút đến khi vàng ruộm. 

Lấy bánh ra khỏi lò, phủ khăn ẩm lên trên giúp bánh mềm và dịu lại. Lấy bánh ra khỏi khay nướng. Để nguội.

Bước 2: Làm phần topping

Đun chảy sô cô la. Sau đó, trộn với bơ mềm. Phần cốt bánh để nghỉ mang ra phết hỗn hợp sô cô la lên bề mặt. Cuộn bánh lại và phủ phần sô cô la còn lại lên trên. Dùng nĩa vạch lên thân bánh để tạo hình khúc gỗ và rắc đường bột lên trên để giống như tuyết.

Cất bánh trong tủ lạnh đến khi thưởng thức. 

Phần topping phủ lên cốt bánh có thể sáng tạo tùy theo sở thích của bạn. Chẳng hạn như thêm mứt hoặc hoa quả nghiền, cùng với các màu sắc khác nhau như thêm trà xanh, bột việt quất,… 

Thưởng thức bánh khúc cây

Trước khi thưởng thức bánh khúc cây, việc trang trí cũng cần một chút tâm huyết. Người ta thường trang trí bánh Giáng sinh kiểu Pháp này với những đồ vật nhỏ bằng đường hoặc nhựa để gợi nhớ đến khu rừng – nơi xuất phát của những khúc gỗ sồi.

Với sự sáng tạo của các vị đầu bếp hoặc các chị em nội trợ khéo tay, bánh khúc cây có nhiều phiên bản lộng lẫy, nhiều màu sắc và hương vị. Tại nước Pháp, bánh khúc cây được bày bán từ đầu tháng 12 hàng năm. Và đương nhiên, nhiều chị em thích tự tay vào bếp để trổ tài làm những chiếc bánh khúc cây xinh đẹp.

Không chỉ các nước phương Tây, giờ đây nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng đã dần yêu thích ăn bánh khúc cây vào dịp lễ Giáng sinh với ý nghĩa cổ xưa của người Celt đó là cầu may mắn, xua đuổi xui rủi.

Chiếc bánh khúc cây đầy hương vị Giáng sinh ấy có một cách thưởng thức khá thú vị. Một đầu bánh được cắt ra, đặt dựng bên cạnh khúc bánh hoặc nhô lệch ra khỏi khúc cây để giống như một cành cây bị chặt. Thêm chút quả mọng, lá xanh và rắc đường bột tượng trưng cho tuyết. Đằng sau ý nghĩa của bánh khúc cây thì nghệ thuật trang trí và thưởng thức cũng đặc biệt không kém, phải không nào?

Chúc bạn thành công với cách làm bánh khúc cây này và có một mùa lễ Giáng sinh an lành nhé!

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version