Lừa đảo trực tuyến được xác định tiếp tục là 1 trong 4 xu hướng tấn công không ngừng trong năm nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, khó đoán định. Theo thống kê sơ bộ, số lượng các vụ tấn công lừa đảo trong năm 2021 đã gia tăng gấp 3 lần năm 2020 và dự đoán còn tăng cao hơn nữa trong năm 2022. Ghi nhận hàng loạt vụ tấn công lừa đảo đã khiến người dùng thiệt hại hàng tỷ đồng, mà trong đó là các vụ lừa đảo lợi dụng từ các thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng.
Cơ quan chức năng ghi nhận sự gia tăng mạnh hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua tin nhắn tuyển dụng, mời làm việc tại nhà lương cao.
Anh Nguyễn Minh Tú thường xuyên nhận được hàng loạt tin nhắn như: “Amazon, Ebay, Tiki, Shopee, Lazada,… cần tuyển cộng tác viên bán hàng, làm việc tại nhà, xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng, thu nhập từ hàng trăm nghìn đến cả triệu đồng và nhận tiền ngay trong ngày”.
Kết các tin nhắn này luôn có cách thức liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng bằng các số điện thoại zalo. Anh Tú đã thử liên hệ với một trong các số điện thoại này, rồi tham gia mua các đơn hàng để tăng doanh số cho gian hàng, như giải thích của nhân viên chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, khi đã ứng ra số tiền lên hơn 10 triệu đồng, chờ mãi không thấy được trả lại tiền lãi và tiền mua hàng vào tài khoản cá nhân, anh Tú mới tin là mình đã bị lừa.
Đây chỉ là một trong rất nhiều kiểu lừa đảo trực tuyến đang xuất hiện thời gian vừa qua. Đa phần, các đối tượng lừa đảo luôn nhằm vào việc lấy tiền của người sử dụng thông qua các chiêu thức lừa đảo tinh vi khác nhau, để dẫn dụ người dùng tin tưởng, quan tâm, rồi tự nguyện làm theo. Chỉ cần cung cấp số điện thoại cho một dịch vụ khuyến mại nào đó, lập tức người dùng có thể nhận hàng loạt tin nhắn, kể cả các cuộc gọi điện quảng cáo. Chưa kể, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng công nghệ giấu số điện thoại, hoặc hiển thị số điện thoại giống như của các cơ quan chức năng, nhà mạng, ngân hàng… để lừa người dùng làm theo.
Gần đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đưa hàng loạt khuyến nghị người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử.
Theo NCSC, để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến nghị người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online. Đồng thời, người dân cũng cần thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online.
Lừa đảo trực tuyến được xác định tiếp tục là 1 trong 4 xu hướng tấn công không ngừng trong năm 2022 (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Nguyễn Minh Đức – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar, tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, tình hình lừa đảo trực tuyến trở nên vô cùng phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn, từ các thẻ cào mệnh giá vài trăm ngàn đồng nạp cho kẻ giả mạo đến hàng trăm triệu đồng chuyển khoản ngân hàng vì tin rằng người thân đang gặp sự cố khẩn cấp. Thực tế, đã có những nạn nhân bị thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng vì rơi vào bẫy lừa đảo qua email, điện thoại hoặc các hình thức lừa đảo trực tuyến như kêu gọi đầu tư tài chính online.
Trong bất cứ trường hợp nào, khi nhận được các cuộc gọi điện thoại hay nhắn tin qua chat, để hướng dẫn thực hiện các thao tác liên quan đến sim điện thoại, số tài khoản ngân hàng, hay là thông báo tài khoản ngân hàng vừa nhận được một khoản tiền bị chuyển nhầm… thì người sử dụng cần luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt không làm theo hướng dẫn của các đối tượng.
“Đối với người sử dụng khi chúng ta tiếp nhận bất cứ thông tin nào qua tin nhắn, chat hay qua email thì chúng ta nên xem cái đường link đấy họ gửi với ý đồ là gì? Trong quá trình sử dụng, thì người sử dụng cũng cần trang bị cho mình phần mềm phòng chống virus trên máy tính, giúp chúng ta ngăn chặn tải các virus độc hại, vào các website độc hại. Hoặc nếu phần mềm độc hại thì nó cũng ngăn chặn các dữ liệu được gửi ra ngoài, tránh nguy cơ mất mát thông tin”, ông Đức khuyến nghị.
Báo cáo mới nhất của Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT cho thấy, tình hình an toàn thông tin tại nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Các cuộc tấn công, gián điệp, tội phạm mạng gia tăng nhằm phá hoại hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu ngày càng có tổ chức, tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quý 1/2022, Cục An toàn Thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý gần 3.700 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, tăng gần 3% so với quý 4 năm ngoái. Các đối tượng tấn công mạng lừa đảo thường xuyên phát tán mã độc, lừa đảo qua chat, qua email nhằm chiếm đoạt thông tin người dùng.
Theo các chuyên gia, đặc điểm giúp nhận biết hình thức lừa đảo trực tuyến người dân cần chú ý là hầu hết nguồn liên hệ của các thông báo, tin nhắn, cuộc gọi đó thường đến từ những nguồn không xác định rõ ràng, thậm chí cả địa chỉ đăng ký máy chủ từ nước ngoài…
Giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản lên mạng xã hội…
Để cho người dùng có thể tránh bị mất tiền hoặc là mất tài sản khi gặp phải những chiêu trò lừa đảo trực tuyến, chuyên gia công nghệ tài chính Trần Việt Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Fiin Credit khuyến cáo “bước chân” vào Internet, chúng ta cần có ý thức đề cao cảnh giác.
“Chúng ta cần phải đưa ra quy tắc chung cho bản thân là chỉ nhập các thông tin cá nhân của mình vào trang web nào có uy tín, minh bạch, thiết bị tin tưởng… Thứ hai là những thông tin nào là thông tin nên cập nhật và những thông tin nào không nên cập nhật, chẳng hạn những thông tin về tài khoản ngân hàng. Ngoài ra nên hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, hay trả lời các câu hỏi liên quan các nhu cầu cá nhân nào đó trên Internet để tránh rủi ro có đối tượng lừa đảo có thể đi thu thập những thông tin này nhằm tạo niềm tin để lừa đảo mình”, ông Vĩnh cho biết.
“Một nguyên tắc nữa là khi có các lời mời gọi, giới thiệu hay là những thông tin liên hệ đến bảo bạn có được khoản lợi ích nào đó hay bạn bị vi phạm một vấn đề gì, chúng ta cần phải có một cái thói quen là xác thực lại nguồn thông tin, xác thực lại người liên hệ với mình và đơn vị liên hệ với mình. Thậm chí, chúng ta cần phải làm việc trực tiếp rồi mới thực hiện các giao dịch đó để tránh hiện tượng lừa đảo. Nếu người dân chúng ta làm được những việc như vậy gần như các hiện tượng lừa đảo là được ngăn chặn một cách hiệu quả”, ông Vĩnh khẳng định./.