Má dạy cô dâu út gói bánh
Má đưa đòn bánh lên trước mặt. Một tay cầm chặt sợi dây lạt, đầu dây còn lại dùng răng cắn chặt.
Nhưng đám cháu ngoại la lên: “Ngoại ơi, ngoại còn đủ răng đâu mà cắn dây lạt”. Má cười rổn rảng: “Ờ ngoại quên, hồi trẻ gói vậy cho chặt nên quen rồi”. Mái tóc má bạc phơ lấm tấm mồ hôi, nụ cười vẫn còn tươi rói…
Má đã gần tám mươi nên chị em tôi chỉ muốn má được nghỉ ngơi để đón Tết sum vầy bên con cháu, nhưng nghĩ đến khoảnh khắc cả nhà được bận rộn phụ má chắc vui lắm.
Nhất là mấy đứa thế hệ gen Z chưa từng chứng kiến việc thức đêm canh lửa cho nồi bánh trên cái bếp dã chiến có cái ấm nước nhỏ giằng kế bên, được nghe tiếng củi cháy giòn, thấy những mảng than đỏ rực mà ông ngoại cơi ra bay lên kêu tí tách…, tất cả những hình ảnh ấy bọn trẻ chỉ biết đến qua sách vở ở trường, ở lớp.
Tiễn ông Táo xong, má dặn dò dâu con chuẩn bị nguyên liệu từ cách chọn nếp, chọn thịt, đậu để làm nhân bánh đến lá gói, dây cột, nước cốt dừa… Rồi nhẩm tính số lượng bánh mặn, bánh chay thành phẩm phần dành cúng ông bà tổ tiên, phần biếu sui gia, họ hàng.
Má nói Tết xưa tụi bây còn nhỏ má làm hết từ khâu lau lá chuối đến cột dây, canh lửa, giờ nhà con cháu đủ đầy đứa phụ một tay má có làm gì nhiều đâu mà mệt. Đây cũng là dịp má truyền đạt tay nghề lại cho các nàng dâu.
Trẻ con nhà tôi lau lá gói bánh
Chộn rộn nhất là bọn trẻ.
Khi người lớn vẫn còn tất bật với công việc cuối năm thì bọn trẻ đã được nghỉ học, chúng đếm lùi từng ngày để được làm công việc do bà ngoại giao phó.
Dù chỉ là khâu lựa đậu lép bỏ đi, hay canh nắng phơi lá chuối, lột vỏ chuối… Vậy mà nôn nao lắm, đứa thì giở tờ lịch lên đánh dấu ngày giờ để nhắc ngoại, đứa thì tíu tít nhắn tin kể cho bạn bè chuyện Tết của nhà mình.
Hai mươi tám Tết.
Má dậy sớm nhắc nhở chị em tôi chuẩn bị ướp thịt, ngâm đậu nếp, ướp chuối. Mấy gốc củi được chẻ dọc dựng bên vách nhà từ hôm trước đã phơi đủ nắng sẵn sàng nhen lửa ấm. Ba vào góc nhà lôi ra cái kiềng sắt ba chân tự chế chuẩn bị khâu luộc bánh.
Cột bánh phải tỉ mỉ
Khoảng sân cuối chạp hôm ấy xếp đầy lá chuối, mùi nhựa lá quyện vào mùi nắng, mùi hăng hăng của những mẹt tre kiệu chua, dưa cải… đưa mùi của Tết bay vào tận thềm nhà, góc bếp. Cây mai ba lặt lá hôm rằm cũng đã chúm chím búp nụ chờ ngày khai xuân khoe sắc.
Xế trưa, bọn trẻ xúm lại nhìn ngoại dạy cách lau lá, để lá không bị rách phải nhẹ nhàng xuôi theo chiều gân, đứa khác thì lột chuối để ngay ngắn vào mâm, người lớn trẻ nhỏ mỗi người một việc. Căn nhà ngày thường im vắng, có mỗi mình má, ngày giáp Tết xôn xao tiếng nói cười, tiếng gọi má ơi, ngoại ơi…
Bếp luộc bánh đỏ lửa đến nửa khuya
Cái bánh đầu tiên má làm mẫu cho chị em tôi theo từng công đoạn, từ cách xếp lá xen kẽ theo từng lớp dọc ngang, đến lớp lá cuối cùng chứa thịt nếp phải đặt mặt lá có bề gân lên trên để khi bánh chín có màu xanh đẹp mắt. Khâu cột bánh má dạy rất kỹ, khéo léo xếp hai đầu cho nhân và nếp không lọt ra.
Cách vỗ đòn bánh cho đều và chắc rồi cột dây lạt dọc ngang để cố định đòn bánh trước khi cột chặt. Bánh mặn, bánh chay được làm dấu riêng bằng sợi dây lạt dư ra một chút, cứ hai cái cột dính lại với nhau thành cặp.
Hai tay vừa tơi cho đều nếp, má vừa kể chuyện về các món ăn truyền thống ngày Tết ở quê hương thuở thiếu thời. Miền Tây Nam Bộ là xứ sở của bánh tét, ngoài ra còn có bánh ú, bánh ít… đều sử dụng đậu, nếp và thịt để gói, chỉ khác hình dáng cái bánh.
Gói bánh tét là một nếp nhà ngày Tết được truyền lại từ thời ông bà tổ tiên, má phụ ngoại gói bánh từ năm 12 tuổi, rồi đến thời chị em tôi, giờ thì đời cháu. Đôi tay má như gói cả đời xuân, gói những ấm cúng, sum vầy và hoài niệm vào từng chiếc bánh.
Bọn trẻ hào hứng cầm lên đặt xuống rồi ngắm nghía những đòn bánh mà chúng được tận mắt nhìn thấy rồi giành nhau cái bánh tí hon ngoại gói từ một ít nếp thừa.
Chiều tắt nắng, ba đã chuẩn bị sẵn cái bếp dã chiến đặt bên vỉa hè, tụi nhỏ thích thú phụ nhau khiêng cái nồi to đặt lên bếp.
Ông ngoại kê lại cái nồi cho chắc, lót thêm vài miếng lá chuối, đổ nước ngập bánh rồi tự tay nhóm bếp, ba mươi đòn bánh tét đã nằm ngay ngắn bên trong. Thoáng một cái đã nghe tiếng củi khô cháy giòn lách tách, ngọn lửa bừng sáng lên ấm áp cả không gian chớm lạnh đêm xuân.
Đội quân canh lửa ba thế hệ.
Má thức cùng con cháu.
Má vui vì ngày cuối năm nhìn thấy cả nhà quây quần bên nhau chuyện trò ấm cúng, thấy lại nếp nhà Tết xưa dù sống ở thị thành.
Ba ngồi bên ấm trà nhắc lại đôi ba câu chuyện xuân xưa, thỉnh thoảng anh hai mở nắp nồi châm thêm nước, thêm củi vào bếp. Bên ngoài lửa đã bén đen thui vách nồi, cái ấm nước nhỏ đặt kế bên bắt hơi nóng sôi bốc khói, phe canh lửa tranh thủ vài gói mì cho ấm bụng.
Một giờ sáng bếp lửa vẫn cháy liên tục, nồi bánh tét sôi ùng ục phà hơi nước, mùi thơm của lá, của nếp hòa quyện vào làn khói bếp nồng nàn mùi củi cháy. Trong tiết xuân đang đến gần, ba thế hệ cùng nhau trò chuyện ngồi chờ bánh chín. Ông ngoại cơi than, đám cháu thay củi mới để giữ lửa cháy đều, con rể giở nắp nồi canh nước, trở bánh.
Nồi bánh tét bốc khói nghi ngút như níu chân người qua đường, vài chuyến xe Grab ngang qua chậm lại ngoái nhìn chừng như muốn cảm nhận chút ấm áp của hương vị Tết quê nhà nơi phố thị, đường phố nửa khuya vẫn còn vẻ hối hả, xuôi ngược những dòng xe.
Bốn giờ sáng, mùi bánh chín thơm lừng, làn gió xuân đưa mùi hương bánh tét bay vào không gian phố, vào những bộn bề, chộn rộn cuối năm.
Đôi tay mân mê những đòn bánh chín, má nói ở thị thành ngày Tết cái gì cũng sẵn có, rất tiện lợi. Nhà mình tổ chức gói bánh để nhắc nhớ một nếp nhà sum họp sau một năm làm việc vất vả, một dịp gắn kết tình cảm gia đình nhiều thế hệ bên nhau.
Và sau này tụi nhỏ lớn lên nhớ tới ngoại, dù ngoại thấm mệt, chân ngoại đi hổng nổi nhưng ngoại vui quá chừng.