Cốm có nhiều tại các vùng miền trên cả nước và thịnh hành trong ẩm thực Bắc bộ, nhưng lại là thức quà đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Cốm được làm từ lúa nếp non (cũng có nơi làm từ lúa nếp già), được đãi sạch thóc lép, vỏ trấu và bụi bẩn rồi rang chín bằng chảo gang.
Ảnh: Cốm vòng Hà Nội
Trong cốm có chứa nhiều chất xơ, protein thực vật, tinh bột, lipit, glucid, canxi và photpho… Trong đó, protein thực vật và chất xơ giúp làm giảm mỡ máu, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ. Chất béo và lipit giúp cho da căng mịn tránh mất nước… Còn canxi trong cốm tốt cho hệ cơ xương khớp.
Cốm thường có ba loại: Cốm đầu mùa hạt mỏng, dẻo dùng ăn mộc vị hoặc ăn cùng một số loại hoa quả. Cốm giữa mùa được dùng làm chả cốm, còn cốm cuối mùa được đem nấu chè hoặc làm cốm xôi vì có đặc điểm là hạt to, dày và ăn hơi cứng.
Cốm đầu mùa ăn với chuối tiêu trứng cuốc và quả hồng mùa thu
Ăn cốm khác hẳn với ăn gạo rang hay ăn bỏng. Đây là thú ăn chơi thong thả khi người ăn nhẩn nha thư thái bốc từng vốc nhỏ, bỏ vào miệng nhấm nháp từ từ vị thơm và độ dẻo của cốm. Nhưng đây mới là cách ăn cốm mộc vị, vì người Hà Nội còn có cái thú biến cốm thành một loại “gia vị” để chấm cùng 2 loại quả rất ngon như chuối tiêu chín trứng cuốc và quả hồng mùa thu.
Ảnh: Hương cốm mới
Để ăn cùng 2 loại quả này nhất định phải dùng loại cốm dẻo đầu mùa được làm từ lúa nếp non. Ăn cốm với chuối thì phải là chuối tiêu chín trứng cuốc mới đúng vị và ngon nhất. Vị ngọt sắc nhưng không gây đớ của chuối tiêu chín cùng với vị thanh thanh của cốm non được trung hòa tạo nên một hương vị rất riêng: ngọt thanh thanh mùi cốm. Bạn có thể bóc vỏ chuối rồi cắn đến đâu chấm vào cốm đến đấy, hoặc cắt ra từng miếng chuối nhỏ thả vào đĩa cốm để cốm được phủ kín đều. Nếu bình thường bạn ăn được 1 đến 2 quả chuối tiêu một lúc thì khi chấm với cốm, bạn sẽ ăn được lên đến 3 quả mà vẫn không thấy ngán. Thế nên ăn theo cách này, cốm lại trở thành một món ăn no, chứ không đơn thuần là một món ăn chơi.
Hồng chấm cốm phải là loại hồng chín mềm mọng như hồng trứng hoặc hồng da tre.
Ăn cốm với quả hồng chín vào mùa thu cũng đích thực là một thú ăn chơi rất cuốn. Có nhiều loại hồng nhưng hồng ăn với cốm nhất định phải là hồng chín mềm mọng như hồng trứng hoặc hồng da tre. Hồng chín có loại ngọt nhạt, có loại ngọt sắc nhưng đem chấm với cốm thì ngọt nhạt thành đậm vị, ngọt sắc thành ngọt thanh và bùi bùi. Khi ăn bạn nên để cốm non phủ kín cả miếng hồng rồi hẵng bỏ vào miệng, cảm nhận vị hồng tan ra qua lớp cốm phủ rồi mới bắt đầu nhấm nháp đến cốm. Với cách ăn này, hồng như nhuyễn ra cùng cốm, cảm giác ăn bao nhiêu một lúc cũng không đủ no!
Ngoài cách ăn cốm mộc, cốm còn được đem chế biến cùng các thực phẩm khác làm thành nhiều món ăn bổ dưỡng như chả cốm, chè cốm, xôi cốm và cả tôm, mực cũng chiên được cùng với cốm. Riêng mực và tôm đem chiên lên cùng với cốm thì cốm được ví như lớp áo chiên giòn giữ cho tôm và mực chiên không hề bị khô.
Cách làm tôm chiên cốm giòn rụm
Có rất nhiều cách để làm tôm chiên cốm nhưng trên Cooky chia sẻ một công thức làm đơn giản và nhanh gọn, nhưng rất giòn ngon như sau:
Nguyên liệu cho 4 người ăn:
– Tôm tươi: 30 con
– Cốm: 300 gr
– Bột chiên giòn: 150 gr
– Trứng gà: 2 quả
– Dầu ăn: 1 lít
– Cà chua: 1 quả
Cách làm:
Tôm mua về bạn rửa sạch, thấm khô, bóc vỏ + bỏ đầu + chỉ đen trên lưng, chừa đuôi. Dùng mũi dao xẻ dọc lưng tôm từ đầu đến đuôi. Uớp hạt nêm, tiêu, trộn đều cho tôm thấm gia vị trong 15 phút.
Trong lúc chờ tôm thấm gia vị, bạn cắt cà chua trang trí theo hình hướng dẫn…
… đánh tan 2 quả trứng gà và chuẩn bị sẵn bát bột chiên giòn.
Bạn lăn tôm qua bột chiên giòn. Tiếp đến lăn tôm qua bát trứng gà đã chuẩn bị sẵn. Cuối cùng lăn qua cốm xanh để áo đều một lớp bên ngoài. Bạn làm lần lượt như vậy cho đến khi hết tôm.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào. Khi dầu sôi thả tôm vào chiên cho đến khi cốm nở phồng là được. Vớt ra để lên giấy thấm dầu.
Cuối cùng là bày ra đĩa. Món tôm lăn cốm chiên giòn dùng nóng với tương ớt rất ngon.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!