Tháng Một 8, 2025

Loài nhện độc lạ nhất Trái Đất: Không ở trên cây mà thích lặn nước

Một con cá bị mắc vào mạng nhện? Rõ ràng là có điều gì đó sai sai ở bức ảnh này. Liệu con cá đã nhảy lên bờ hay con nhện biết lặn xuống nước, giăng tơ và cải thiện bữa ăn của mình?

Khả năng thứ hai đúng có vẻ cao hơn. Bởi trong tấm ảnh này, chúng ta thấy thứ mà tơ nhện bám vào là những cọng thực vật thủy sinh. Và nếu để ý kỹ, bạn sẽ còn thấy con nhện đã xây dựng cho mình cả một ngôi nhà bong bóng dưới nước.

Còn điều gì bất ngờ hơn một loài nhện (vốn không có mang để thể thở dưới nước) nhưng vẫn sống, săn mồi, thậm chí giao phối và sinh sản được dưới nước? Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về cách mà Argyroneta aquatica – loài nhện độc lạ nhất hành tinh làm điều đó.

Nghệ thuật lặn của nhện Argyroneta aquatica

Đối với một con nhện bình thường, bị rớt xuống nước có thể đồng nghĩa với cái chết. Nó sẽ nhanh chóng bị hạ thân nhiệt, thiếu không khí và thậm chí trở thành mồi cho các loài thủy sinh.

Nhưng với loài A. aquatica, còn gọi là “nhện lặn chuông”, dưới nước mới là môi trường sinh sống ưa thích của nó.

Đầu tiên hãy nói về cái tên, tại sao lại là nhện lặn chuông? Đó là bởi loài sinh vật này đã bắt chước một kỹ thuật lặn của con người (mà cũng có thể là con người đã bắt chước chúng – Ai biết?):

Từ thế kỷ thứ 4 Trước Công Nguyên, Aristotle đã mô tả cách các thợ lặn thả một cái chuông xuống nước, bẫy không khí trong đó để làm một trạm hít thở khi thực hiện công việc thám hiểm dưới nước.

Chính Alexander Đại đế (356 TCN -323 TCN), người học trò vĩ đại của Aristotle, cũng từng sử dụng một chiếc chuông bằng thủy tinh để lặn trong các chuyến thám hiểm đại dương của mình.

Ông còn mang theo một con chó, một con mèo và một con gà trống trong chuyến hành trình đặc biệt này – những con vật đã may mắn trở thành đại diện đầu tiên thuộc giống loài mình lặn xuống đáy biển.

Trở lại với những con nhện A. aquatica, chúng không cần phải theo chân Alexander Đại đế để khám phá thế giới dưới nước. Bởi loài nhện này có thể tự mình tạo ra những chiếc chuông lặn cho mình.

Chiến lược thông minh của nhện A. aquatica được thực hiện như sau:

Đầu tiên, nó sẽ lặn xuống nước và tìm một vài nhánh cây thủy sinh để chăng tơ trên đó. Nhưng thay vì mở rộng mạng lưới của mình trên một mặt phẳng như các loài nhện khác, nhện A. aquatica sẽ quấn tơ của nó theo từng lớp như một chiếc máy in 3D, nhằm tạo ra một chiếc chuông tơ úp ngược dưới nước.

Sau đó, con nhện bơi trở lại mặt nước, tiếp tục nhả tơ để làm thành một cái thang nối giữa chiếc chuông phía dưới và mặt nước bên trên. Bước tiếp theo lúc này là phải vận chuyển không khí từ mặt nước và đổ vào chiếc chuông bên dưới.

Bạn nghĩ con nhện A. aquatica sẽ làm như thế nào? Liệu nó có hít không khí đầy phổi rồi lặn xuống chiếc chuông rồi thổi ra hay không?

Không! Nhện A. aquatica có một chiến lượng tinh tế và hiệu quả hơn nhiều. Để lấy được không khí, nó chỉ cần chổng chiếc mông đầy lông của mình lên không trung, sau đó nhanh chóng nhúng nó xuống nước:

Lúc này, những sợi lông kỵ nước đâm ra tua tủa từ bụng và thân người của nó sẽ bẫy một lớp không khí xung quanh vào trong. Lợi dụng giới hạn sức căng bề mặt của nước, con nhện sẽ tạo ra được một quả bong bóng khí bằng bạc sáng bóng xung quanh mình.

Sau đó, nó chỉ cần cố lặn trở lại chiếc chuông như một đứa trẻ mặc áo phao, và thả quả bong bóng khí đó ra. Sau vài lượt lặn đi lặn lại như vậy, con nhện A. aquatica đã có thể lấp đầy không khí vào chiếc chuông của mình.

Bây giờ, nó đã chính thức có một ngôi nhà dưới nước.

Nhện lặn chuông có thể ở dưới nước cả ngày, vì ngôi nhà của nó có chức năng hút oxy từ nước

Đó là minh chứng cho thấy A. aquatica không chỉ là một thợ lặn, nó là một kỹ sư. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những chiếc chuông lặn của nhện A. aquatica cùng lắm chỉ cung cấp đủ oxy cho nó hoạt động trong vòng nửa tiếng.

Nghĩa là cứ khoảng 20 phút một lần, nhện A. aquatica sẽ phải ngoi lên mặt nước và hít thở, đồng thời chở một chuyến oxy mới xuống ngôi nhà của nó.

Nhưng hóa ra, các nhà khoa học đã nhầm.

Năm 2014, nhà sinh vật học Roger Seymour tại Đại học Adelaide, Australia đã làm một nghiên cứu quan sát kỹ hành vi của nhện A. aquatica và nhận thấy: Chúng thực sự có thể ở dưới nước cả ngày.

Chiếc chuông tơ của nhện A. aquatica có chức năng trao đổi oxy với nước như mang cá.

Seymour giải thích lý do đến từ việc chiếc chuông tơ, bản thân nó có chức năng trao đổi oxy với nước như mang cá. “Bởi bong bóng trong chuông lặn chỉ được giữ lại bởi tơ nhện, phần lớn diện tích của nó chính là một giao diện giữa nước, không khí với các sợi tơ mỏng”, Seymour nói.

“Và điều này cho phép oxy có thể được trao đổi giữa nước và bong bóng”. Quá trình tương tự xảy ra với CO2 mà con nhện thở ra. Các chất khí chỉ đơn giản là khuếch tán từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.

Vì vậy, khi cái chuông có nhiều CO2 hơn và ít oxy hơn, nó sẽ tự lấy oxy từ nước và khuếch tán CO2 ngược trở lại. “Cơ chế này có thể cung cấp một lượng oxy đi xuyên qua bức tường tơ gấp 8 lần so với lượng con nhện chở xuống từ bề mặt nước”, Seymour nói.

Một con nhện A. aquatica vì vậy có thể ở dưới nước cả ngày.

Và chúng làm gì ở dưới đó… cả ngày?

Dĩ nhiên rồi, một con nhện sẽ dành phần lớn cuộc đời của nó để giăng tơ, đánh bẫy và chờ đợi con mồi. Bản thân nhện A. aquatica là một thợ săn dũng mãnh dưới nước. Nó cũng có đủ nọc độc để hạ gục những con cá nhỏ và động vật giáp xác vướng vào mạng của mình.

Bình thường, nhện A. aquatica sẽ đặt bẫy quanh các khóm cây thủy sinh gần chuông lặn của chúng. Sau đó, những con nhện này chỉ đơn giản là nhúng mông của nó vào chuông lặn và thò mặt ra ngoài quan sát.

Trong trường hợp bạn chưa biết, nhện thở bằng những lỗ thở nằm ở hai bên sườn ở ngực và bụng được gọi là “phổi sách” (vì chúng mở ra và gập lại giống như những trang sách).

Chúng có các khí quản dẫn oxy thẳng vào mô và cơ quan mà không cần đi qua đầu. Do đó, nhện A. aquatica có thể thò bụng vào chuông của nó và thở, trong khi vẫn để hở đầu ra bên ngoài nước để quan sát được con mồi.

Nhện lặn chuông (Argyroneta aquatica) săn mồi dưới nước

Khi thấy một con mồi bị mắc bẫy, nhện A. aquatica sẽ chạy ra khỏi chuông, hạ gục nó bằng một vết cắn đau đớn. Sau đó, con nhện sẽ leo lên mặt nước và chở thêm một lượng không khí xuống để mở rộng ngôi nhà của mình, đủ để kê thêm một chiếc bàn ăn to.

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, con nhện mới kéo bữa ăn của nó vào trong chuông và bắt đầu xả thịt loài thủy sản. Trong những ngày ảm đạm và không bẫy được con mồi lớn nào, nhện A. aquatica sẽ nhấm nháp các loài ấu trùng dưới nước, giống như những bữa ăn vặt của chúng.

Đã có nhà và đã ăn no, đi tìm bạn đời và sinh sản thôi

Đó là cuộc đời tao nhã của loài nhện lặn chuông. Có một khác biệt giữa loài nhện này với các loài nhện sống trên cạn, đó là con cái của nhện A. aquatica thường nhỏ hơn con đực. Bình thường, nhện cái sẽ phải lớn hơn nhện đực vì chúng cần phải tích lũy dinh dưỡng để đẻ trứng và chăm con.

Nhưng cũng vì mục tiêu đẻ trứng và chăm con, nhện cái A. aquatica lại nhỏ hơn nhện đực. Đó là vì loài nhện này đẻ trứng và nuôi con dưới nước. Kích thước của nhện cái nhỏ hơn cũng có nghĩa là nó sẽ có nhiều chỗ để đẻ hơn và nhiều không gian cho đàn con hơn, trong chiếc chuông chật hẹp của mình.

Nhện đực A. aquatica – ngược lại – là những con phải bơi trong nước để đi tìm nhện cái. Nó vì vậy cần có một cơ thể lớn hơn để bơi khỏe hơn. Khi nhện đực A. aquatica phát hiện ra một cái chuông của nhện cái, nó bắt đầu xây thêm một cái chuông “hàng xóm” bên cạnh để bắt đầu cưa cẩm cô nàng.

Đến khi chiếc chuông hoàn thành, và nhện cái quen dần với sự hiện diện của anh chàng hàng xóm, nhện A. aquatica đực sẽ đục một đường thông từ chiếc chuông mới của nó sang nhà nhện cái.

Hai con nhện sẽ giao phối với nhau. Và sau mỗi lần giao phối như vậy, nhện cái A. aquatica sẽ đẻ từ 30-70 trứng. Trứng nở ra sẽ trở thành những con nhện con và chúng sẽ bắt đầu được tập huấn cuộc sống dưới nước của mình.

Chỉ sau vài tuần, những con nhện A. aquatica con đã sẵn sàng tách mẹ. Chúng sẽ lại học cách xây chuông lặn, ngoi lên mặt nước và chở không khí xuống để làm thành những ngôi nhà riêng cho mình.

Cứ thế, cuộc đời và dòng dõi của nhện lặn chuông liên tục phát triển. Chúng đang chinh phục những vùng nước ngọt trên khắp Châu Âu và Châu Á. Vì vậy, nếu lần tới bạn thấy một con nhện bằng bạc dưới nước, nó không chịu ở trên cây mà lại thích đi lặn và chăng tơ bắt cá, thì hãy nhớ đó chính là loài nhện lặn chuông Argyroneta aquatica – một loài nhện độc nhất vô nhị trên hành tinh.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version