Thời điểm vàng để ăn khoai lang
Cả nhà chị Hà thích ăn khoai lang vì hương vị thơm ngon, bổ dưỡng của nó và vì chế biến được thành rất nhiều món ăn ngon lành, tốt cho hệ tiêu hóa. Nhưng dịp này năm ngoái chị đã gặp họa khi vào mùa Trung thu ăn khoai lang với những quả hồng ngon ngọt.
Hôm đó đi làm về đang đói bụng, chị Hà mở ngay lồng bàn và thấy đĩa khoai mẹ luộc để đó và ăn hết luôn 1 củ to. Mở tủ lạnh lấy nước uống lại thấy đĩa hồng mẹ gọt sẵn ngon mắt quá liền bê ra ăn luôn, vừa ăn vừa uống nước rất thú vị.
Nào ngờ ăn xong chưa qua bữa tối chị đã bị đau bụng và nôn mửa với đủ các triệu chứng bị ngộ độc. Mẹ chị vội vã đưa vào bệnh viện. May mắn bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Nhiều người phỏng đoán có thể chị Hà bị ngộ độc do ăn khoai lang cùng lúc với quả hồng – vì theo kinh nghiệm dân gian đây 2 món thực phẩm kị nhau, không nên ăn cùng lúc.
Sau này chị Hà tìm hiểu mới biết, khoai lang có rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, giúp phòng chống nhiều bệnh – kể cả bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Nhưng không phải ai ăn khoai lang cũng tốt, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm với một số người. Nếu ăn không đúng cách, hay ăn phạm đại kị đều có thể gây hại cho sức khỏe.
Ăn khoai lang thế nào mới đúng cách và những ai không nên ăn khoai lang?
– Không tích trữ khoai lang lâu: Một số người mua khoai lang về để lâu vì cho rằng như thế ăn sẽ ngọt hơn. Thực tế thì ngược lại, khoai lang càng để lâu thì lượng nước trong củ càng giảm, lượng đường càng tăng, tinh bột trong khoai lang bị biến đổi, các khoáng chất cũng dần mất đi… không còn ngon ngọt bổ dưỡng nữa. Khoai lang ăn ngon nhất là khi vừa đào lên, rửa sạch rồi cho vào nồi luộc.
Người bị thận: Những người mắc bệnh thận không nên ăn khoai lang vì chất xơ, kali, vitamin A… trong khoai lang rất dồi dào. Trong khi thận yếu nên khả năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, dẫn tới những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Người có hệ tiêu hóa không tốt: Những người này hay bị đầy hơi, trướng bụng ăn khoai lang vào sẽ càng làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng… khó chịu hơn.
Tránh ăn khoai sống: Trong củ khoai lang có những chất cần có nhiệt mới phá hủy được thì ăn mới an toàn. Nếu không làm chín củ khoai lang, khi ăn vào màng tế bào tinh bột chưa bị phá hủy của khoai lang sẽ gây ra tình trang khó tiêu hóa, bị đầy hơi, ợ chua, buồn nôn…
Không ăn mỗi khoai lang không: Bởi dạ dày sẽ dễ dàng kích thích sự bài tiết axit, khiến bụng rất khó chịu.
Trường hợp này nên uống nước gừng sẽ hết. Lưu ý là để tránh tình trạng này, khoai lang cần phải được nấu, luộc, nướng thật chín, hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men.
Ăn trong giới hạn dưới 3 lạng: Không nên ăn quá nhiều khoai lang, chỉ nên ăn trong giới hạn “dưới ba lạng”, ăn nhiều hơn dễ bị đầy hơi và ợ chua.
Không ăn khoai lang khi đói: Vì sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng.
Tránh ăn khoai lang buổi tối: Vì dễ trào ngược axit, nhất là người dạ dày yếu, hệ tiêu hóa kém – đặc biệt là người già ban đêm sự trao đổi chất thấp nên càng khó tiêu hóa, dễ bị đầy bụng, mất ngủ.
Vì thế thời điểm vàng để ăn khoai lang: Theo các nhà dinh dưỡng – thời điểm khoai lang mới được đào lên đem chế biến là ngon nhất, giàu dưỡng chất nhất.
Nên ăn khoai vào bữa sáng kèm theo sữa nguyên kem hoặc sữa chua, thêm chút hạt và rau xanh sẽ là bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tránh ăn khoai lang vỏ có đốm đen, vằn đen kẻo rước họa vào thân
Ăn cả vỏ khoai lang không hề tốt cho hệ tiêu hóa – dù vỏ có nhiều chất kiềm, tốt cho người táo bón. Những vết nâu, đốm đen, vằn đen trên vỏ khoai lang khi ăn vào còn có thể gây ngộ độc.
Vì vậy khi sơ chế củ khoai lang thấy những vết đốm đen, vằn đen cần gọt bỏ ngay đi, không tiếc của mà rước họa vào thân.
Lý do là những đốm đen, vằn đen đó đã bị nhiễm khuẩn, sẽ tiết ra những độc tố đều là chất kịch độc gây nguy hại cho gan. Loại độc tố này không mất đi dù luộc, hay nướng ở nhiệt độ cao.
Ăn phải củ khoai bị đốm đen, vằn đen khoảng 24 giờ sau sẽ cảm thấy khó thở, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thở dốc… thậm chí bị sốt cao, nhức đầu, co giật, nôn ra máu, hôn mê… không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Không ăn khoai lang cùng lúc với quả hồng:
Quả hồng và khoai lang là hai thực phẩm kị nhau, từ xưa các cụ đã khuyên không nên ăn chung. Nhưng giờ nhiều người không biết những kinh nghiệm dân gian ấy.
– Khoai lang nhiều tinh bột, ăn vào dạ dày sản sinh ra một vị toan lượng rất lớn.
– Quả hồng lại có nhiều tanin và nhựa quả.
Vị toan và tanin, nhựa quả gặp nhau sẽ hình thành những cục cứng khó tan – gọi là sỏi hồng dạ dày – gây đầy bụng, đau bụng, nôn ói.
Thậm chí viên sỏi hồng dạ dày lớn không bài tiết ra ngoài được sẽ kích thích dạ dày, tá tràng dẫn đến chảy máu, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.
Vì vậy trong dân gian đã khuyên người dân không nên ăn khoai lang chung với quả hồng. Nếu muốn ăn thì hai thứ phải ăn cách nhau từ 5 giờ trở lên.
Cách chế biến món khoai lang mật ong
Nguyên liệu
2 củ khoai lang to vừa phải.
1/2 bát mật ong (tùy ý gia giảm mật ong cho phù hợp).
Cách làm
Rửa sạch khoai lang, có thể để nguyên cả vỏ xếp vào nồi, thêm nước luộc chín.
Khoai chín tới thì đổ bỏ phần nước luộc thừa trong nồi, đun cho ráo đáy nồi thì đổ mật ong vào tiếp, đun nhỏ lửa. Vừa đun vừa dùng đũa, thìa nghiền cho khoai nát ra, trộn lẫn vào mật ong, trở thành hỗn hợp nhuyễn như cao là được (hoặc dầm thành những miếng nhỏ).
Cách ăn khoai lang mật ong
– Nếu bị táo bón thì ăn từ 1/2 đến 1 bát con, mỗi ngày ăn 2-3 lần. Ăn vài ngày thoát khỏi tình trạng táo bón. Nên ăn đều đặn tới khi bệnh khỏi hẳn.
– Người bình thường ăn theo nhu cầu, nhưng tối thiểu 1 tuần/lần để tăng hiệu quả thải độc, ngừa táo bón.
Nếu nhà có người dễ mắc táo bón hãy làm sẵn món khoai lang – mật ong để vào ngăn mát tủ lạnh để ăn dần. Nhưng không nên ăn lạnh – nhất là vào mùa đông – mà hãy hấp lên, hoặc quay trong lò vi sóng cho khoai và mật ấm nóng lên hãy ăn, vừa ngon miệng, vừa không làm dạ dày và cơ thể bị lạnh.