Tháng Một 9, 2025

Gánh tàu hũ nước đường – món quà ngọt ngào in dấu tuổi thơ của bao người

Dù cuộc sống có phát triển đến đâu thì văn hóa bán hàng rong vẫn giữ một vị trí vô cùng đặc biệt trong lối sống của người Việt. Những món ăn được bày biện bắt mắt trên những chiếc mẹt đơn sơ mà hấp dẫn đến lạ, luôn để lại cho chúng ta những dư vị ngọt ngào khó quên dù đã trưởng thành.

Gánh tàu hũ nước đường của các bà, các cô cùng tiếng rao “Ai tàu hủ non nước đường, cốt dừa nóng hổi hông?” cũng gây vương vấn như vậy. Hồi bé, cứ nghe văng vẳng tiếng rao ấy, tụi trẻ con đã nhanh nhảu xin mẹ ít tiền lẻ, chạy ra trước cổng chờ sẵn.

Gánh tàu hũ nước đường là tuổi thơ của rất nhiều người. (Ảnh: mysteriousaigon)

Đợi đến khi gánh tàu hũ ghé ngang qua nhà, đứa nào đứa nấy ngồi chồm hổm, kiên nhẫn nhìn cô bán hàng dùng cái muỗng nhôm hớt từng miếng tàu hũ mềm mịn như nhung, trắng ngần, núng nính như thạch bỏ vào chén.

Đa số trẻ con đều ưa ngọt, vì thế đứa nào cũng mong cô bán hàng cho thật nhiều nước đường và trân châu dai dai sần sật.

Ngày bé, đứa nào được cô bán hàng đổ nhiều nước đường là vui cả ngày. (Ảnh: mysteriousaigon)

Tàu hũ ngon nhất là khi còn ấm nóng nhưng ăn vào lại thấy thanh mát đến lạ. Hớt từng miếng trắng trắng, mềm mềm ấy bỏ vào miệng, cảm giác như tàu hũ tan ra, trôi tuột xuống cổ họng nhưng vị ngọt bùi cùng mùi thơm thoang thoảng vẫn còn mãi vấn vương trong khoang miệng.

Tàu hũ ăn khi còn nóng nhưng ăn vào lại thấy mát người. (Ảnh minh họa)

Tàu hũ mềm mịn bao nhiêu, trân châu lại dai dai vui miệng bấy nhiêu. Với nhiều đứa trẻ, đây chính là phần ngon nhất trong chén tàu hũ nước đường. Hồi ấy, chưa biết trân châu được làm từ bột năng, chỉ biết viên gì bé xíu, ăn vào có vị ngọt nhẹ, dẻo dẻo như kẹo cao su nhưng nuốt được, cảm giác thần kỳ biết bao.

Đa số trẻ con đều thích ăn trân châu nhất trong chén tàu hũ. (Ảnh minh họa)

Giờ lớn lên mới biết, để làm ra được gánh tàu hũ thơm ngon, đắt khách chẳng phải việc dễ dàng. Nguyên liệu chính của món ăn này là đậu nành, trải qua quy trình chắt lọc tương đối phức tạp mới tạo ra được khối tàu hũ núng nính, thơm bùi đạt chuẩn.

Tàu hũ ngon là khi múc lên không quá rệu rã nhưng cũng không được quá cứng mà phải mềm mịn. Mỗi chủ quán lại có một công thức khác nhau, bởi vậy có người phải ăn thử vài chỗ thì mới tìm được địa chỉ ưng ý.

Tàu hũ muốn ngon phải kỹ lưỡng trong từng công đoạn. (Ảnh: Cười khúc khích)

Nước đường vàng óng, sóng sánh được tạo nên từ hỗn hợp đường phèn cùng đường thốt nốt, đun trên lửa liu riu cho đến khi sánh lại. Nước đường có vị ngọt thanh chứ không phải kiểu ngọt gắt khó chịu. Như vậy thì khi ăn cùng với tàu hũ mới không làm át đi cái vị bùi của đậu nành.

Nước đường có vị ngọt thanh, không át đi vị tàu hũ. (Ảnh: @ông hoàng trà sữa)

Không giống như nhiều món ăn của tuổi thơ ngày càng có nguy cơ “thất truyền”, tàu hũ nước đường vẫn có một sức sống mạnh mẽ. Hiện nay, ngoài phiên bản truyền thống, tàu hũ nước đường còn được biến tấu thêm nhiều công thức hấp dẫn, mà cho dù là phiên bản nào thì cũng luôn là món ăn vặt yêu thích của nhiều người ở nhiều độ tuổi.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version