Tháng Một 8, 2025

Giò bột quê tôi

Món giò bột ngày Tết – Ảnh: tác giả cung cấp

Sở dĩ gọi là giò bột bởi nguyên liệu chủ yếu làm từ bột gạo tẻ xay mịn và thịt lợn. Nhưng thịt thời kỳ ấy ở quê tôi rất hiếm và không phải nhà nào cũng có đủ tiền để mua. Do đó, thịt để làm giò chỉ được điểm xuyết như một thứ gia vị.

Chắc do đó mà quê tôi gọi là giò bột. Cũng chẳng rõ từ bao giờ, giò bột thành đặc sản quê tôi và không thể thiếu trên mâm cơm đoàn viên ngày Tết. Cái món giò nảy sinh từ trong cảnh nghèo khó mà lòng người vẫn mong có một món ăn gọi là giò.

Dẫu thế, nhưng với những người con xứ Nghệ như tôi thì món ăn này khắc ghi biết bao ký ức tuổi thơ. Những đứa trẻ nghèo thiếu thốn cái ăn cái mặc, mùa xuân chỉ thật sự bắt đầu khi nghe tiếng lợn kêu eng éc và khi mẹ bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm giò bột.

Cứ vào độ 27 Tết là mẹ tôi bắt tay làm giò. Mẹ tôi bảo nguyên liệu quan trọng nhất của món giò bột là thịt lợn (thịt mông). Thường mẹ tôi chọn mổ con lợn con nuôi trong nhà hoặc đi chợ sớm, chọn loại thịt vừa lấy trong lò mổ ra, còn nóng để tạo độ dính kết cao.

Thịt lợn phải được lọc bỏ gân và mỡ, chỉ lấy nạc. Nước mắm để ướp phải ưu tiên chọn loại ngon, giàu đạm… Có như thế thì miếng giò mới có độ đàn hồi và hương vị đặc trưng. Loại gạo để chế biến giò phải là loại gạo thơm ngon, trắng tinh.

Để phụ giúp mẹ, cha tôi ra vườn chọn những lá chuối rất xanh, lành và tàu lá rộng đem hơ lửa cho mềm. Khi lá phảng phất mùi thơm thì mới rọc lá ra. Cha cũng chuẩn bị thêm một nắm lạt giang chẻ nhỏ, chuốt mỏng.

Còn mẹ thì nhào bột, giã thịt thật nhuyễn. Món giò bột của mẹ tôi được nêm nếm nước mắm ngon, hạt tiêu, lá tỏi, củ tỏi, lá chanh. Tất cả hầu như được mẹ lấy từ vườn nhà nên rất tươi, rất thơm và sạch. Mẹ rửa sạch các loại rau thơm, thái thật nhỏ rồi cho vào giã cùng với thịt và bột sao cho quyện vào nhau dẻo quánh.

Tôi thích nhìn tay mẹ nhào bột, lăn từng cuộn bột thật dẻo để chuẩn bị gói. Sau khi mẹ gói xong, cha sẽ dùng lạt quấn ổ giò thật tròn và chắc. Tết, mẹ thường đùm 10 hay 12 ổ, dù đùm bằng tay nhưng lại đều tăm tắp.

Tôi là con út nên được mẹ ưu ái đùm cho một ổ giò nhỏ nhắn, rất đẹp. Cha bảo giò nhỏ nên sẽ nhanh chín hơn để tôi được ăn trước cho đỡ thèm. Nhưng tôi cũng không ăn ngay mà nâng niu cất giữ nó để ăn sau.

Chỉ cần chờ mẹ đùm xong giò là coi như hoàn thành một việc lớn của ngày Tết. Mẹ sẽ xếp từng ổ giò vào cái nồi to. Dưới đáy nồi, mẹ đặt một cái kiềng bằng tre gác g

iò lên để giò không nằm sát đáy nồi, không bị cháy hoặc khét.

Thời gian để luộc chín giò bột chỉ trong khoảng một giờ rưỡi. Giò chín vớt ra, mẹ treo lên hoặc cho vào rổ tre thưa cho ráo nước và nhanh nguội. Tôi thích nhất cảm giác ngồi bên nồi giò sắp chín, mùi giò thơm khắp mấy gian nhà tranh, ấm áp khó tả.

Anh em chúng tôi xúm xít dùng quạt nan phe phẩy cho giò nguội bớt, để mẹ dễ cắt giò cho chúng tôi nếm thử. Cắn một miếng giò ngon, chầm chậm nếm trọn hương vị hòa quyện nơi đầu lưỡi giữa thời tiết se se lạnh thật tuyệt vời vô cùng.

Dư vị của những cái Tết tuổi thơ thiếu thốn vật chất mà đủ đầy tình thương đến độ dù đi xa quê bao nhiêu năm tôi cũng chẳng thể nào quên được. Những ký ức ấy thoáng cái đã trôi qua gần 20 năm.

Tôi đã tóc bạc nửa mái đầu, cũng từng thưởng thức bao mỹ vị trên đời nhưng vẫn luôn nhớ nhung món giò bột quê tôi. Nhớ khoảng thời gian nhà ai cũng hì hục giã gạo, giã thịt và đùm giò. Để rồi đến Tết, nhà ai cũng có giò treo trong bếp, giò xếp trong rổ và giò trong mâm cỗ cúng tổ tiên.

Biết tính tôi thích ăn giò bột nên mỗi lần về thăm nhà, thăm quê, chẳng cần đúng dịp Tết, mẹ vẫn “phá lệ” làm món giò bột. Khi cha mẹ không còn, món giò bột Tết giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm. Trong nỗi hoài niệm quê nhà, hình ảnh cha mẹ tôi hiện lên dịu dàng thương nhớ.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version