Cá được nướng trên giàn với thời gian từ 10 – 13 tiếng – Ảnh: K.LINH
Cứ thong thả hơi khói, hương lửa cho đượm gia vị, cho săn khúc cá… rồi mới nhẹ tay trở. Cá nướng mềm, rồi rắn, chuyển sang màu nghệ…
Năm nào cũng vậy, các dì tôi vẫn giữ nguyên nếp nhà như khi ông bà tôi còn sống: khoảng 27, 28 Tết mượn người kéo ao kiếm vài mươi cân cá nướng cúng ông bà tổ tiên, sau chia đều cho con cháu trong nhà ăn Tết. Quê tôi, vùng đất ở cuối sông đầu bể, Tết đến xuân về “không cá nướng phi thành cỗ”…
Cái vùng đất Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình quê ngoại tôi lâu nay nhiều món ngon chả đâu có được: bánh chưng nhân đậu đường, bánh “cua”, gỏi nhệch… và món cá nướng mà ông bà tôi truyền lại. Những cái Tết ấm áp còn nguyên vẹn trong ký ức tôi…
28 Tết, rét đậm. Sáng sớm, phường lưới đến nhà giao kèo kéo cá. Thường họ đi ba người: hai người ở hai đầu lưới, một người dìm chì để cá khỏi nhảy ra. Khi kéo mẻ đầu, ông tôi đếm đầu cá, bảo còn còn kéo mẻ nữa! Mẻ thứ hai, rồi mẻ lưới vét… chừng như đã đủ, hay không đủ mà ao hết cá, ông mời mọi người vào “ăn” điếu thuốc lào cho ấm bụng. Những năm xa xưa ấy, công của người kéo ao dịp Tết chỉ được vài ba con cá “nhỡ”, không có tiền. Họ hút thuốc lào, uống nước chè xanh rồi vác lưới sang ao khác…
Món cá nướng quê tôi xưa nay chả nơi nào có được, cầu kỳ từ khâu chọn cá. Phải là trắm ốc hay trắm cỏ từ 3kg trở lên. Cá làm sạch, đánh vảy, cắt đầu, bỏ vây đuôi rồi cắt khúc khoảng 20cm… Nghệ tươi dì tôi giã tay trong chiếc cối đá, vắt lấy nước; tiêu, ớt, riềng, thì là, hành răm… xắt nhuyễn trộn nước mắm gia vị ướp vào miếng cá… rồi ăn trưa.
Cá nướng Thái Xuyên trở thành món ăn đặc sản được nhiều người biết tới – Ảnh: K.LINH
Củi than bây giờ mua dễ. Nhưng dì tôi vẫn giữ nếp cũ, gốc gộc cây to ngâm dưới ao vớt lên để nỏ, đoạn đốt lấy than hoa. Cá được kẹp vào hai thanh tre cật, cũng được ngâm chuốt kỹ càng. Hai hàng gạch bắc song song, than củi đượm nồng rải đều bên dưới, cao chừng 30 – 50cm, từng kẹp cá được gác lên. Món cá nướng quê tôi không vội được.
Cái miếng cá nướng khi đã trằn qua lửa than hồng trở nên săn chắc. Thường thì sáng kéo ao, làm cá vào kẹp, ăn trưa xong đưa cá lên “giàn thiêu”. Tôi qua trằn lại 10 – 13 tiếng đồng hồ, khi than hoa đã bạc không còn đượm, mỡ cá không còn rỏ xuống xèo xèo là cá nướng kỹ. Dì tôi nhẹ nhàng hạ từng gắp cá xuống mẹt lót lá chuối khô. Trông mèo, canh chuột. Sáng ra, cá nướng đã nguội, dì tôi dùng hai nan tre cật “đi” dọc nẹp, ra cá.
Đã 30 Tết. Mâm cúng quê tôi không thể thiếu món cá nướng trứ danh. “Bây thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với các con các cháu. Rồi đi lên nhà. Lên đến nơi nhớ gọi về cho các dì yên tâm. Mùng 4 Tết về giỗ cụ để dì hóa vàng. Cầu mong cụ kĩnh tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu luôn an yên, mạnh khỏe…”, dì tôi rơm rớm cười.
Trong bọc lá chuối theo tôi sẵn có dăm bảy kẹp cá nướng. Phần cúng ông bà, phần biếu người thân. Mùi cá nướng, mùi hương trầm quẩn quanh trên quãng đường từ quê lên thành phố. Có cá nướng, thành cỗ! Thế là Tết…