Tháng Mười Hai 2, 2024

Chuối ngào gừng – món ấm áp tình mẹ

“Tay nâng chén muối đĩa gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” (Ca dao)

Món ăn ngon không chỉ vì nó đặc trưng cho vùng miền mà còn vì nó gắn liền với ký ức của mỗi người. Thời bao cấp, lũ trẻ chúng tôi như củ khoai củ sắn lớn lên nhờ sự tảo tần của cha, sự chắt chiu của mẹ.

Mỗi mùa Tết về mẹ tôi lại trổ tài làm món chuối ngào gừng để cả nhà nhâm nhi và đãi bà con lối xóm đến chúc Tết.

Từ khoảng hai mươi tháng chạp, mẹ đã ra vườn chọn những buồng chuối xiêm già rọi, chín đều đến vàng rực để ép phơi khô. Bí quyết để món ăn được ngọt và không bị chát là chuối phải tròn đều, chín muồi tự nhiên.

Mẹ thức dậy từ lúc trời còn tờ mờ, lột từng trái chuối chín, tước chỉ cho thật sạch rồi đem ép. Để miếng chuối sau khi ép được tròn, cha tôi đã chẻ khúc tre già, chuốt thật mảnh, khoanh lại thành vòng tròn rồi buộc chặt bằng dây lạt.

Mẹ lấy một tấm thớt dày phía dưới, để lên một tấm bọc ni lông sạch, đặt chiếc vòng tre lên, sau cùng cho quả chuối vào vòng tròn. Mẹ lại lấy thêm một tấm bọc ni lông khác để lên trên, sau cùng lấy một tấm thớt đặt lên và ép nhẹ.

Quả chuối mỏng ra có hình tròn. Mẹ khéo léo trải từng miếng chuối lên tấm liếp đan bằng lá dừa. Khi thau chuối vừa ép xong cũng là lúc ánh nắng đầu tiên của ngày mới lấp ló sau hàng dừa. Ba đem từng tấm liếp đặt lên cao để phơi nắng.

Gần Tết, buổi sáng gió bấc se se lạnh nhưng chỉ khoảng hơn tám giờ nắng đã rực rỡ và nhiệt độ tăng lên. Cái nắng oi ả kéo dài gần suốt cả ngày. Buổi chiều, chúng tôi giúp mẹ đem những tấm liếp vào và bắt đầu gỡ chuối.

Công đoạn này phải làm thật tỉ mỉ và khéo léo vì miếng chuối đã khô cong lại, dính chặt vào tấm liếp lá dừa, gỡ mạnh tay rất dễ bị rách. Hôm sau mẹ lại trở bề chuối và mang ra phơi một ngày nữa. Chuối chuyển sang màu cánh gián, mật ngọt tươm ra thật hấp dẫn.

Mẹ cất vào keo thủy tinh để đến hăm sáu, hăm bảy làm món chuối ngào gừng. Lũ trẻ thòm thèm len lén lấy những miếng chuối khô bỏ vào miệng ăn vội vàng.

Ôi chao! Vị chuối ép khô mới ngọt làm sao. Nó thơm thoang thoảng mùi hương đồng gió nội lẫn vị ngọt như vị mật ong. Đúng như ai đó đã từng nói: “Ăn vụng là ngon nhất!”.

Sáng hăm bảy tháng chạp, trước khi đi chợ, mẹ đã moi những củ gừng tươi trồng trong cái nồi đất bể lên, dặn chị em chúng tôi ở nhà rửa sạch rồi cạo vỏ, nhớ mang bao tay vào rồi hãy làm kẻo bị nóng tay. Dặn dò xong, mẹ chèo chiếc ghe tam bản đi chợ Tết.

Khoảng trưa trưa mẹ về cũng là lúc chị em tôi hoàn thành nhiệm vụ. Mồ hôi nhễ nhại, mẹ lấy trong chiếc giỏ bàng nào đường mía, đậu phộng, mè trắng, nào đậu xanh cà, thịt ba rọi, mỡ heo, dưa hấu, nhang thơm… Mẹ đem cả cái Tết về nhà!

Chẳng kịp nghỉ ngơi, mẹ uống vội ca nước mưa rồi lấy dao thớt ra dạy chị em tôi xắt gừng. Phải xắt theo chiều dọc, sợi thật nhuyễn thì khi ngào chuối mới ngon. Xắt gừng tuy có hơi nóng tay nhưng dễ hơn xắt chuối.

Mẹ lấy từng miếng chuối khô ra khỏi keo, cuộn tròn hai miếng lại rồi để lên thớt xắt. Phải đè mạnh tay, dao phải bén thì sợi chuối mới đứt ngọt. Từng sợi chuối dưới đôi tay khéo léo đầy vết chai sạn của mẹ hiện ra đều tăm tắp. Gừng sau khi xắt xong mẹ bảo chị em tôi rửa vài lần bằng nước lạnh rồi đổ vào rổ cho ráo, mang ra phơi nắng cho heo héo.

Mẹ nói vì là gừng già nên phải làm như vậy để bớt cay con nít mới ăn được. Chiều chiều khi ánh mặt trời sắp tắt, mẹ đem gừng vào và nhóm bếp lên bắt đầu sên. Đường mía được cân với liều lượng thích hợp, được bỏ vào chảo, đặt lên bếp.

Đường tan ra mẹ cho gừng xắt sợi vào. Công đoạn này phải canh lửa riu riu để đường thấm vào từng sợi gừng, đến khi đường sắp kéo chỉ, mẹ nhanh tay hốt từng sợi chuối vào đảo đều, sao cho ba loại nguyên liệu hòa vào nhau là nhắc xuống, không được để lâu trên bếp chuối sẽ rã ra. Mẹ nhanh tay rải đậu phộng rang vàng giã hơi dập cùng với mè rang vào.

Mẹ trải đều một lớp bột mì tinh đã rang chín vào chiếc mâm nhôm hình chữ nhật rồi đổ chuối ngào gừng còn đang nóng vào, dàn đều, phía trên lại rắc thêm một lớp bột mỏng và một lớp lá chuối tươi, lấy thớt đè mạnh xuống.

Khoảng vài giờ sau, mâm chuối đã nguội, mẹ lấy dao bén cắt ra thành từng thỏi nhỏ bằng ngón tay. Lúc này miếng chuối đã cứng lại nên có thể cầm trên tay ăn được.

Đêm giao thừa, cha tôi “tình nguyện” thức để canh lửa và châm thêm nước cho nồi bánh tét. Bao giờ mẹ cũng pha một bình trà thiệt ngon cùng dĩa chuối ngào gừng để cha thưởng thức cho ấm bụng.

Lũ trẻ chúng tôi cũng quây quần bên bếp lửa, nhâm nhi miếng chuối ngào gừng mà nghe hương vị thơm thơm, ấm nồng cùng vị ngọt của chuối, mùi thơm của đậu phộng sắt se nơi đầu lưỡi. Chuối ngào gừng là món ngọt dùng với nước trà không thể thiếu được mỗi độ xuân về.

Nhìn cái màu cánh gián của chuối và gừng được phủ trong lớp bột trắng mới thấy hết bao công phu của người mẹ, người chị trong gia đình. Đối với tôi, hương vị ngọt ngọt cay cay của món chuối ngào gừng đã đi suốt thời tuổi thơ khiến tôi không thể nào quên.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version