Tháng Một 7, 2025
chuan bi mam co cung ong cong ong tao ngay 23 thang chap 63befc4065c94

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 1.

Mâm cúng ông Công ông Táo.

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Táo quân là vị quan túc trực quanh năm để cai quản mọi việc ở hạ giới. Ngày hai ba tháng Chạp (23/12 âm lịch), các Táo cưỡi cá chép về trời để tâu báo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong năm cho Người rõ và thưởng phạt công minh. Để “lấy lòng” các vị trọng thần này, dân gian thường bày cỗ cúng tiễn ông Táo về trời với những món ngọt hoặc các món ăn truyền thống cùng giấy tiền vàng mã, hia và áo mũ, cá chép giấy.

Tuy nhiên, ngày nay, mâm cỗ cúng Táo quân được đơn giản đi nhiều và không cần quá bắt buộc phải có đầy đủ tất cả các món ăn truyền thống. Mâm cỗ cúng Táo quân còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như khẩu vị của gia chủ.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 2.

Gà luộc

Gà trống đã mổ (1 – 1,5 kg) rửa sạch rồi cho vào nồi nước lạnh cùng với vài lát gừng. Sau khi nồi gà luộc sôi, hạ lửa, đun liu riu khoảng 10 phút rồi tắt bếp, đậy vung om thêm một lúc là được. Bạn có thể dùng đũa xiên thử vào phần thịt đùi gà, nếu nước chảy ra không có màu hồng đỏ là chín. Nói chung, tùy vào kích cỡ con gà mà bạn lựa chọn thời gian luộc sao cho hợp lý.

Gà chín, vớt ra, rửa lại bằng nước nguội rồi chặt miếng, xếp ra đĩa. Bạn cũng có thể cúng nguyên con tùy ý nhé.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 3.

Giò lụa

Giò lụa 1 khoanh mình mua sẵn ở ngoài hàng uy tín. Cắt giò lụa thành các miếng vừa ăn rồi xếp ra đĩa.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 4.

Thịt chua

Cũng là một loại thịt thính giống như nem chua Thanh Hóa, nem nắm Nam Định, nem Phùng, nhưng thịt chua có sự khác biệt về hương vị lại thơm ngon và hấp dẫn. Món ăn này bạn có thể mua sẵn ở các nhà hàng đặc sản. Cho thịt chua ra đĩa, xếp lêm mâm cúng. Khi ăn, ăn kèm thịt chua với lá sung, đinh lăng… và chấm tương ớt.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 5.

Nem rán (chả giò)

Nem rán (chả giò) là món ăn truyền thống, thường xuất hiện trong những mâm cơm của người Việt, nhất là vào dịp lễ Tết, trên mâm cỗ cúng Giao thừa, ngày Rằm tháng Giêng.

Chuẩn bị nguyên liệu gồm thịt lợn xay, tôm bóc vỏ, cà rốt, hành tây, rau mùi, hành lá, miến, nấm và mộc nhĩ, trứng gà…

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 6.

Khi gói nem, bạn không nên cuốn nem quá chặt. Lý do là khi rán, miến và trứng sẽ nở ra khiến vỏ bánh bị nứt. nhân và nước trong nem trào ra khiến chúng khó có thể vàng giòn như ý. Chỉ nên cuốn vừa phải hoặc lỏng tay một chút. Khi rán nem bạn nên đổ ngập dầu vì đây là cách tốt nhất giúp nem có màu vàng ruộm, đều và giòn.

Xôi đỗ xanh

Chuẩn bị 500 g gạo nếp cái hoa vàng, 100g đỗ xanh, một nhúm muối. Gạo nếp và đỗ xanh đãi sạch, rồi đem ngâm ở hai bát khác nhau với nước nóng già khoảng 8 tiếng trước khi đồ xôi.

Sau khi gạo và đỗ xanh ngâm xong, đổ ra rá, để ráo nước. Trộn đỗ với gạo cùng một nhúm muối. Đun sôi một nồi nước, đặt xửng hấp vào. Đổ gạo nếp đỗ xanh vào xửng rồi đậy vung, đồ chín xôi. Trong quá trình đồ, bạn có thể dùng muổi đảo xôi một lần để chín đều. Xôi chín, cho vào 1 bát tô, nén chặt xuống rồi đổ ra đĩa cho đẹp, xếp lên mâm cúng.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 7.

Xôi gấc cá chép

Gạo nếp mới mua về rửa sạch, ngâm với nước trong 8 tiếng. Nạo phần thịt ra khỏi quả gấc cho vào tô, thêm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng cà phê rượu trắng làm để thịt gấc mềm đi, dễ dàng tách khỏi hạt gấc

Nếu bạn nêm muối vào thịt gấc thịt không cần cho lại vào gạo nữa. Trộn gạo nếp với gấc cho thật đều rồi mang đi hấp. Tạo một khoảng trống ở giữa xửng hấp để hơi nước dễ bốc lên làm chín xôi. Đặt xửng hấp trên nồi nước đã đun sôi và hấp cách thủy trong 20 phút.

Xôi vừa chín bạn dùng đũa dàn xôi ra đều hết xửng, đổ nước cốt dừa vào. Tiếp tục hấp thêm 5-10 phút cho hạt xôi mềm hẳn, rồi bạn mới cho đường vào. Không nên cho đường quá sớm sẽ làm xôi bị sượng. Sau đó, bạn đun thêm 5 phút nữa cho đường thấm vào xôi.

Múc xôi ra khuôn hình cá chép, ép chặt xuống để tạo hình cho xôi đẹp mắt hơn.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 8.

Mâm cỗ có món xôi cá chép.

Canh rau củ

Chuẩn bị 1/2 cái súp lơ xanh, 1 củ cà rốt nhỏ, 10 cái nấm hương cùng gia vị. Súp lơ tách các bông nhỏ, rửa sạch. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái khoanh mỏng. Nấm hương ngâm mềm. Dùng nước luộc gà để nấu canh. Đun sôi nồi nước luộc gà, nêm nếm gia vị rồi cho cà rốt vào nấu trước khoảng 2 phút rồi thả súp lơ, nấm hương vào, nấu chín. Múc canh ra bát, xếp lên mâm cúng.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 9.

Hoa quả, nước ngọt

Bạn có thể lựa chọn loại quả phù hợp như cam, quýt, phật thủ, chuối…

Ngoài các món trên, chị em có thể thêm các món như canh măng khô móng giò, canh mọc, giò bò, chả quế, nem rán… hay những món ăn hợp khẩu vị để cúng nhé, quan trọng là lòng thành của gia đình.

Dưa muối, dưa hành

Làm dưa bắp cải muối: Chuẩn bị 3/4 cái bắp cải; 1 củ cà rốt; một ít rau răm, hành lá. Gia vị gồm 20 g muối; 60 g đường; 30 ml giấm. Rửa sạch rau củ. Thái nhỏ bắp cải, rau răm và bào sợi cà rốt. Đặt một nồi nước lên bếp, mở lửa lớn. Khi nước sôi già, trụng nhanh bắp cải, rau răm, cà rốt qua nước sôi rồi ngâm vào nước lạnh, vớt ra, để ráo nước. Cho 20 g muối, 60 g đường, 30 ml giấm vào một lọ thủy tinh/ nhựa sạch, đổ nước ấm (40 – 50 độ C) vào khoảng 1/2 chiều cao lọ, khuấy đều cho tan muối và đường. Cho bắp cải, rau răm, cà rốt vào lọ, ngập hoàn toàn dưới nước. Đậy kín, bảo quản nơi khô mát khoảng 1 – 2 ngày trước khi dùng. Mùa đông lạnh có thể lâu hơn.

Hành muối: 300 g củ hành trắng (chọn củ hành hơi non thì sẽ nhanh được ăn hơn); 200 ml dấm ăn; 100 ml nước lọc; 50 g đường, 40 g muối, nước vo gạo. Hành mua về ngâm nước vo gạo để qua đêm. Hòa 20 g muối với 1,5 lít nước. Cắt rễ hành, bóc vỏ, rửa qua nước muối rồi trút ra rổ để ráo nước. Lưu ý khi cắt rễ không cắt sâu vào trong thịt hành tránh làm cho hành muối bị hỏng. Nấu nước dấm: cho 200 ml dấm, 100 nước, 50 g đường, 20 g muối vào nồi đun sôi, khi đường tan hết thì tắt bếp để nguội. Xếp hành vào lọ, thêm ớt để ăn kèm.  Để hành nơi khô ráo thoáng mát. Với loại hành hơi non này, chỉ 4-5 ngày là ăn được. Còn hành già hơn thì trời ấm, dưa hành để 1 tuần đến 10 ngày là dùng được. Nếu trời lạnh, có thể lâu hơn.

Cho dưa bắp cải muối cùng dưa hành ra đĩa, xếp lên mâm cúng.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *