Cháo cá thu rất bổ dưỡng, dễ làm
Cá thu giàu protein, axit béo omega-3. Thịt cá thu thơm ngon nhưng không quá đậm vị, thường được so sánh với cá ngừ (bởi là loại cá lớn nhiều dầu, thịt săn chắc), được nhiều người ưa thích, dễ bổ sung vào chế độ ăn tốt cho sức khỏe.
Phân tích dinh dưỡng cho thấy 100g cá thu có: Lượng calo: 189, chất béo: 11,9g, natri: 89mg, carbohydrate: 0g, chất xơ: 0g, đường: 0g, chất đạm: 19g.
Đặc biệt cá thu giàu axit béo omega-3, là một loại protein hoàn chỉnh. 100g cá thu cung cấp 19g chất dinh dưỡng đa lượng gồm các axit amin thiết yếu, vitamin, khoáng chất, sắt, magiê, phốt pho, folate, selen.
Cá thu là một nguồn cung cấp vitamin D, B6. Vitamin B12 có trong cá thu rất tốt cho sức khỏe – nhất là sức khỏe tim mạch.
Cá thu không chứa carbohydrate, chất xơ hay đường, nhưng các hàm lượng này có thể được thêm vào cá thu nếu chiên rán, tẩm bột.
Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành nên bổ sung dầu cá để có đủ lượng omega-3 quan trọng vì các chất béo trong cá thu có lợi cho tim, ngăn ngừa bệnh tim. Nếu ăn cá thu thường xuyên 2 lần/tuần sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa bệnh tật, trong đó có tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già, cải thiện tình trạng mất nhận thức, suy giảm trí tuệ ở người bị bệnh Alzheimer giai đoạn nhẹ, ngăn ngừa thiếu máu, tiểu đường tuýp 2…
Một số thành phần dinh dưỡng trong cá thu giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu hụt dinh dưỡng như: sắt, vitamin B12 và một số folate (thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nào trong số này cũng có thể dẫn đến thiếu máu với triệu chứng yếu cơ, rối loạn thị lực, mệt mỏi cùng các biến chứng nghiêm trọng khác).
Cách nấu cháo cá thu bổ dưỡng, thơm ngon và không tanh
Nguyên liệu
– 300g cá thu (khoảng 2 lát)
– 200g đậu xanh còn vỏ (nếu có)
– 1/2 bát gạo
– Gia vị, hành, ngò
Cách nấu cháo cá thu
Cá thu tươi lớp thịt cá nhìn trong, da bóng, không nát. Mua cá về thì rửa bằng muối và dấm để làm sạch và khử mùi tanh.
Muốn thịt cá thu giòn và dai hơn hãy ướp cá với đường, muối, nước mắm 15 – 20 phút (trước khi cho vào cháo) để thịt cá thấm gia vị, giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng.
– Đậu xanh vo sạch, ngâm từ 3 – 4 giờ.
– Gạo vo sạch, để ráo.
– Hành, mùi (ngò) rửa sạch, xắt nhỏ. Lấy đầu hành trắng và hành tím băm nhỏ để riêng.
Gạo ráo nước thì cho vào rang tới khi hạt gạo chuyển sang màu trắng trong là được. Rang gạo giúp nồi cháo thơm đặc trưng, hạt cháo nhừ nhưng không bị vữa.
Cho gạo và đậu xanh vào nồi nấu, tỉ lệ 1:4 (1 phần gạo và đậu xanh, 4 phần nước). Lúc đầu đun to lửa, sau khi cháo sôi thì hạ nhỏ lửa và cứ thế ninh thì cháo sẽ ngon hơn.
Làm chín cá thu
Sau khi gạo và đậu nở thì cho cá thu đã ướp vào nấu chín.
Cá thu chín thì vớt ra, dầm thành miếng nhỏ. Cá thu rất ít xương nên có thể lựa xương dễ dàng.
Phi thơm đầu hành trắng và hành tím đã băm nhỏ, đổ thịt cá thu vào xào sơ với chút nước mắm ngon, đường, bột ngọt, tiêu.
Trút thịt cá thu vào nồi cháo, nêm gia vị vừa ăn rồi bắc xuống, múc ra tô. Rắc hành, mùi đã xắt lên trên, ăn nóng.
Nhà có trẻ nhỏ có thể nấu cháo cá thu cùng cà rốt, rau muống… (xay nhuyễn) cho trẻ ăn cũng rất ngon miệng.
Tuần mới có bát cháo cá thu thơm ngon, bổ dưỡng, rất dễ ăn để phục hồi, tái tạo năng lượng thì thật tuyệt vời. Chúc các bà nội trợ thành công khi đổi món cháo cá thu lạ miệng cho cả nhà thưởng thức.
Cá thu có thể gây dị ứng cho một số người
Ăn cá thu có thể gây ra vài dị ứng, nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, ngộ độc histamine.
Hàm lượng histamine trong cá thu cao tự nhiên, nếu cá thu ươn thì vi khuẩn phát triển quá mức khiến tăng hàm lượng histamine và người ăn có thể nhiễm độc histamine.
Triệu chứng xảy ra từ 5 phút đến 120 phút sau khi ăn, bệnh nhân thở khò khè, sưng lưỡi, tiêu chảy, ngất xỉu và buồn nôn.
Nhưng nếu cả nhóm người cùng ăn cá thu mà có các triệu chứng trên thì khả năng nhiễm độc histamine cao hơn là ngộ độc thực phẩm.
Cá thu có chứa nhiều thủy ngân, nên phụ nữ có thai và đang trong thời kỳ cho con bú hạn chế ăn.
Để đảm bảo an toàn khi ăn cá thu cần chọn cá thu tươi sống, không có mùi tanh nồng khó chịu. Cá thu tươi sống thịt săn chắc, mắt trong và da thân bóng. Dù cá dưới dạng đông lạnh thì vẫn phải đảm bảo độ tươi ngon.
Mua cá thu tươi sống về sơ chế sạch, và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh ngay. Dù để tủ lạnh cũng nên chế biến trong vòng 2 ngày.
Luôn rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với cá thu. Vệ sinh mặt bàn, thớt và dụng cụ sau khi sơ chế cá sống, tránh lây nhiễm chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín.
* Công thức chế biến tham khảo thêm từ Điện máy xanh.