Các vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên cho các thành viên gia đình nếu bạn vẫn mãi duy trì những sai lầm khi nấu ăn sau đây.
Sai lầm khi dùng dầu ăn
Các loại chất béo khác nhau như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu lạc, bơ thực vật, mỡ… cần được sử dụng phù hợp với từng loại đồ ăn và cách chế biến. Ví dụ, dầu ô liu rất tuyệt vời để làm các món salad, nhưng chị em không nên dùng nó để xào rán vì các dưỡng chất của nó sẽ bị phá hủy, tạo ra chất độc khi đun nóng ở nhiệt độ cao.
Tiến sĩ Preeti Jain, chuyên gia dinh dưỡng học tại Mỹ, cho biết: “Mỗi loại dầu đều có một mốc nhiệt độ mà tại đó chúng bị biến đổi, gọi là điểm khói. Điểm khói của dầu ô liu thấp hơn các loại dầu thực vật khác, do đó không nên dùng nó để chiên. Dầu ô liu có thể được sử dụng để chiên xối mỡ nhưng hiệu quả sẽ không hơn gì với các loại dầu khác”.
Thói quen đun dầu quá nóng khi chiên, xào cũng gây độc. Việc để dầu nóng tới mức bốc khói rồi mới cho thức ăn vào không chỉ phá hủy các chất dinh dưỡng mà còn tạo ra quá trình carbon hóa dầu ăn, sản sinh ra các chất độc, chất gây ung thư.
Hâm đi hâm lại thức ăn
Việc đun đi đun lại sẽ khiến thực phẩm bị biến chất. Chất carbohydrates sẽ kết hợp với chất béo tạo ra một hợp chất gây ung thư. Với món thịt chiên, nếu chiên lại nhiều lần, một số thành phần sẽ bị biến chất, trở thành chất độc. Bạn nên dùng nồi chiên không dầu nếu muốn ăn đồ chiên rán.
Lạm dụng món thịt rang, chiên cháy cạnh
Christen Cupples Cooper, chuyên gia tại Trường Cao đẳng nghề y tế thuộc Đại học Pace, Mỹ, khuyến cáo: “Một số món ăn được chiên cháy cạnh tiềm ẩn nguy cơ chứa HCAs (heterocyclic amines) và PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons), có thể gây hại đến DNA của con người”. Theo các kết quả nghiên cứu, các hợp chất này có thể kích hoạt các enzyme liên quan đến nguy cơ ung thư.
Để hạn chế nguy cơ, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm được làm chín trên lửa trực tiếp, trên bề mặt kim loại nóng hoặc thịt bị cháy.
Sai lầm khi dùng thớt
Nhiều gia đình chỉ sử dụng một chiếc thớt cho các loại thực phẩm trong nhiều năm. Điều này rất nguy hiểm vì thịt sống thường chứa nhiều vi khuẩn, dù bạn rửa thớt thì vẫn còn một phần bám lại. Nếu thái thực phẩm chín hoặc thực phẩm dùng ăn sống trên thớt này, vi khuẩn sẽ xâm nhập cơ thể, gây tiêu chảy và nhiều bệnh khác.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ, hàm lượng vi khuẩn trong thớt gỗ còn cao hơn nhà vệ sinh của gia đình.
Loại thớt làm từ nhiều mảnh tre nhỏ ghép lại thường sử dụng keo chứa formaldehyd, chất độc có thể hòa tan trong nước khi bạn rửa thớt. Từ đó, nó sẽ xâm nhập đường tiêu hóa do bạn dùng thớt thái đồ ăn, gây ra loét, thủng dạ dày, thậm chí ngộ độc gan nghiêm trọng.
Loại thớt cũ, mốc meo ít được chà rửa hoặc khử trùng sẽ có nhiều nấm và vi khuẩn phát triển. Loại nấm mốc chứa độc tố aflatoxin có thể gây ngộ độc nặng và tăng nguy cơ ung thư.
Không rửa nồi, dùng nấu món khác
Để tiết kiệm thời gian, sau khi hoàn thành một món, trút ra bát đĩa, nhiều người không rửa nồi mà dùng nó để nấu món ăn tiếp theo. Thực phẩm còn sót lại trong nồi tiếp tục được đun nóng lần nữa và tạo ra các chất có hại. Nếu bạn làm vậy thường xuyên, liên tục trong thời gian dài, các hợp chất có hại như amin dị vòng, hydrocarbon thơm đa vòng hay oxit sẽ tích tụ nhiều trong cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư.
Không dùng máy hút mùi
Nếu không sử dụng máy hút mùi trong bếp, khói sản sinh trong quá trình nấu nướng sẽ bị người nấu và các thành viên trong gia đình hít vào. Khói từ việc nấu đồ ăn, đặc biệt là thức ăn cháy, dầu mỡ được đun ở nhiệt độ cao, sẽ gây hại sức khỏe nếu được hít vào quá nhiều, đặc biệt là làm giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi.