Tháng Một 9, 2025

2 loại bọt cần hớt bỏ, 3 loại bọt nên giữ lại khi nấu ăn mà bạn có thể chưa biết

Khi ninh xương hoặc luộc các loại thịt, hải sản, chắc hẳn sẽ có lúc bạn thấy xuất hiện bọt trong nồi. Thao tác xay, ép các loại rau củ hoặc nấu sữa hạt cũng sẽ tạo ra bọt. Vậy loại bọt nào nên hớt bỏ, loại bọt nào nên giữ lại? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Bọt xuất hiện trong quá trình nấu ăn là điều thường thấy có thể là tạp chất, cũng có thể là chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đấy

2 loại bọt nên bỏ

1. Bọt khi ninh xương, luộc thịt

Bọt trong nước hầm xương hoặc nước luộc thịt được hình thành từ phần máu thừa, cặn và protein trong thịt, xảy ra trong quá trình đun nấu. Lớp bọt này không chứa quá nhiều chất dinh dưỡng có lợi, ngược lại còn có mùi tanh, có thể khiến món ăn có mùi khó chịu, làm đục phần nước dùng. Chính vì thế, bạn nên bỏ đi lớp bọt này.

Nên hớt bỏ bọt trong nước hầm xương/luộc thịt

Bí quyết để hầm xương ít bị bọt, nước dùng trong: Bạn rửa xương với nước rồi trộn xương với bột mì cho tới khi bột mì tan hoàn toàn. Sau đó, rửa xương với nước và tiếp tục trộn cùng bột mì thêm 1 lần nữa, rửa lại thêm khoảng 2-3 lượt nước là xương vừa sạch, vừa thơm.

2. Bọt khi luộc tôm

Tôm có chứa một hoạt chất là Astaxanthin. Chất này có tính ổn định mạnh, sẽ bị tách ra khỏi protein trong tôm khi gặp nhiệt độ cao, hiện màu đỏ ban đầu, do đó tôm sẽ chuyển sang màu đỏ khi đun ở nhiệt độ cao.

Lớp bọt xuất hiện khi luộc tôm chủ yếu là máu nội tạng và một số tạp chất ở vỏ tôm và đầu tôm. Chính vì thế, bạn cũng nên vớt bỏ lớp bọt xuất hiện khi luộc tôm.

Bọt xuất hiện khi luộc tôm không chứa nhiều dưỡng chất

Mẹo nhỏ: Thay vì luộc tôm, hấp tôm sẽ giúp tôm ngọt thịt hơn. Các tạp chất trong quá trình hấp cũng khó ngấm ngược lại vào tôm do đã chảy xuống phía dưới.

3 loại bọt nên giữ lại

1. Bọt sữa đậu nành

Saponin là thành phần chính của lớp bọt khi bạn nấu sữa đậu nành. Các nghiên cứu cho thấy saponin có nhiều tác dụng sinh học như điều hòa chuyển hóa lipid, giảm cholesterol, kháng khuẩn, chống khối u, chống huyết khối, điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa. 

Vì những công dụng này, đừng hớt bỏ bọt khi nấu sữa đậu nành nhé!

Bọt khi nấu sữa đậu nành có nhiều tác dụng cho sức khỏe

Mẹo nhỏ: Để hạn chế tình trạng sữa đậu nành nổi bọt khi nấu, bạn hãy giảm lửa khi sữa đậu nành bắt đầu sôi, hoặc có thể thêm 1 thìa cà phê dầu olive vào sữa để giảm lượng bọt. 

2. Bọt khi đun trà

Thành phần chính của trà là saponin. Saponin trà là loại saponin có khả năng tạo bọt mạnh. Theo nghiên cứu khoa học hiện nay, saponin trong trà có thể có tác dụng kháng khuẩn và có thể ức chế sự hấp thụ chất béo, nhưng lượng saponin trong bọt trà là có hạn. 

Chính vì thế, nếu có đun trà, cũng đừng lo lắng về chất lượng trà nếu nước trà có bọt. Đương nhiên, bạn cũng không cần bỏ phần bọt này.

3. Bọt cà phê, bọt nước ép trái cây/rau củ

Có nhiều thành phần trong cà phê có thể tạo bọt, chẳng hạn như crema cà phê và bản thân các hạt cà phê mịn cũng có thể tạo bọt. Đối với một số loại cà phê, bọt được tạo ra bằng cách thêm sữa, chẳng hạn như cappuccino, latte…

Bọt tạo ra khi ép trái cây và rau củ cũng giống như bọt trong cà phê, có nhiều chất nhưng chúng cũng là chất dinh dưỡng trong nước ép trái cây và rau củ, không gây hại cho sức khỏe.

Không cần loại bỏ bọt cà phê, bọt nước ép trái cây/rau củ

Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em đã có thêm những kiến thức thú vị, những mẹo nhỏ trong quá trình nấu nướng!
Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version