Trong 2 ngày 17 – 18/6/2022 tại Hà Nội, Trường Đại học VinUni khởi xướng tổ chức “Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” lần thứ Nhất, tập trung vào đổi mới sáng tạo trong dạy và học với mục tiêu tái định vị vai trò của giáo dục Đại học trong thế kỷ 21. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cùng gần 400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước.
“Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” – Teaching and Learning Summit – năm đầu tiên được tổ chức tại ĐH VinUni (Hà Nội), quy tụ gần 400 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế từ ĐH British Columbia (Canada), ĐH Duke-NUS (Singapore), Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ĐH Kinh doanh Sydney (Úc), ĐH Thiên Tân (Trung Quốc)… cùng các nhà lãnh đạo từ các trường uy tín của Việt Nam như ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường ĐH Ngoại Thương, trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, trường ĐH Y Hà Nội…
Gần 400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước tới tham dự Hội nghị để cùng tìm ra giải pháp đổi mới dạy và học. |
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với bài trình bày dẫn nhập về “Giáo dục trong thế kỷ 21” của GS. Sanjay Sarma, Phó Chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo GS. Sanjay, thế giới biến đổi không ngừng và sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong tương lai. MIT đã đưa ra cách tiếp cận đột phá trong giáo dục, sử dụng nguồn học liệu mở, dùng công nghệ để cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm nhằm chuẩn bị cho một tương lai hậu Covid đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội cho khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị. |
Các phiên hội thảo tiếp theo do các chuyên gia giáo dục chủ trì với phần chia sẻ đa chiều mang tính chuyên môn sâu. Hội nghị đề cập đến các bài học kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp sư phạm quốc tế như học tập theo nhóm, học tập theo dự án, học tập trải nghiệm… trong điều kiện thực tế tại Việt Nam. Hội nghị cũng đưa ra các xu hướng mới có tiềm năng thành công đột phá như đưa nghiên cứu vào giảng dạy, giáo dục khởi nghiệp, trao quyền cho sinh viên, học tập tự định hướng và hệ sinh thái học tập trực tuyến.
TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni và Giáo sư Rohit Verma, hiệu trưởng Đại học VinUni. |
Ngày thứ hai của hội nghị sẽ có các phiên thảo luận về Giáo dục Y khoa do GS. Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y Khoa Quốc gia và Giáo sư Maurizio Trevisan, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, trường ĐH VinUni chủ trì. Hội thảo cung cấp bức tranh tổng thể về bối cảnh phát triển của giáo dục y khoa tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ các công nghệ tiên phong nhất về dạy học mô phỏng, dạy học theo nhóm cũng như các kỹ năng chuyên biệt trong phỏng vấn, giao tiếp với bệnh nhân theo các kịch bản mô phỏng ‘ảo như thật’. Đặc biệt, các đại biểu Hội nghị sẽ được trực tiếp quan sát và đánh giá hiệu quả giảng dạy trong suốt thời gian thực hiện kịch bản.
TS. Jay Siegel, Chủ tịch, Ban Cố vấn Quốc tế SPST, Đại học Thiên Tân, Thành viên cấp cao của Collegium Helveticum – ETH Zuric. |
Điểm nhấn quan trọng của Hội nghị là Tọa đàm bàn tròn cấp cao giữa lãnh đạo các trường đại học gồm 5 nội dung lớn: (1) Chuyển đổi số trong giáo dục ĐH; (2) Bình đẳng trong giáo dục; (3) Trách nhiệm xã hội của trường ĐH; (4) Kết nối giữa giáo dục ĐH và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và (5) Vai trò của ĐH trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Dưới sự chứng kiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo các trường ĐH sẽ đưa ra tuyên bố chung về “Vai trò lãnh đạo của đại học trong thế kỷ 21” cũng như công bố chương trình hành động để đạt được mục tiêu chung. Song song với Tọa đàm là Phiên thảo luận góp ý về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở giáo dục đại học do lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì.
Chia sẻ về ý nghĩa của Hội nghị, TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni, cho biết: “Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” do VinUni khởi xướng với mong muốn không những tạo ra một “sân chơi phẳng”, nơi các nhà lãnh đạo giáo dục có thể chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác toàn cầu mà còn để thảo luận, tìm giải pháp định hình tương lai của giáo dục. Thông qua Hội nghị, các nhà lãnh đạo học thuật sẽ cùng cam kết hành động để tạo ra các thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục, gia tốc quá trình ươm mầm khởi nghiệp của sinh viên và rút ngắn thời gian đưa công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống”.
Sự thành công của “Hội nghị quốc tế về đổi mới dạy và học” lần thứ nhất sẽ mang tới cơ hội kết nối phát triển mạng lưới quan hệ giữa các nhà lãnh đạo học thuật trong nước và quốc tế, đồng thời mở ra những các chương trình hợp tác thiết thực trong tương lai. Hội nghị thường niên lần thứ hai sẽ do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức vào năm 2023.
Về VinUni: Trường Đại học VinUni là trường đại học tinh hoa, tư thục, không vì lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup sáng lập với khát vọng đào tạo nhân tài cho tương lai và đóng góp cho đất nước một đại học xuất sắc mang đẳng cấp thế giới.
VinUni đã hợp tác chiến lược toàn diện với 2 trong số Top 20 Đại học tốt nhất toàn cầu là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania để xây dựng các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế.
Hiện tại, trường đào tạo theo ba nhóm ngành chính gồm Kinh doanh Quản trị, Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, và Khoa học Sức khỏe. Đây đều là những nhóm ngành trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển đột phá, phù hợp với xu thế thời đại công nghệ toàn cầu nói chung.