Cuộc đọ sức giữa hai trong số 4 loài rắn độc hàng đầu ở Ấn Độ đã xảy ra và vô tình được camera giám sát ghi lại, khiến người xem rùng mình. Đó là cảnh quay được ghi lại trong một trang trại thuộc bang Gujarat, Ấn Độ.
Theo một thành viên trong tổ chức giải cứu động vật hoang dã Wildlife SOS, họ đã tới trang trại Madhu ở Kalali và chứng kiến trận chiến giữa hai con rắn cực độc là hổ mang Ấn Độ và rắn lục Russel.
Thót tim cảnh rắn hổ mang Ấn Độ bạnh hàm hết cỡ nuốt chửng rắn lục
Theo mô tả, con rắn hổ mang có kích thước khoảng 1,8m. Đối thủ của nó dài khoảng 1,5m. “Cuộc đọ sức” ban đầu khá cam go bất phân thắng bại. Nhưng sau đó, rắn hổ mang cố bạnh hàm hết cỡ để ngoạm đầu kẻ thù, sau đó nuốt chửng.
“Tình huống có thể diễn ra theo chiều ngược lại. Khi đó, rắn lục Russel sẽ thành kẻ chiến thắng còn rắn hổ mang bại trận và bị ăn thịt. Đây vốn là hành vi phổ biến giữa các loài rắn. Nhưng thông thường, con nào có kích thước lớn hơn sẽ dễ dành phần thắng trước đối phương”, anh Raj Bhavsar, điều phối viên của dự án Wildlife SOS cho biết.
Được biết, sau khi cuộc đấu kết thúc, các thành viên của Wildlife SOS đưa rắn hổ mang ra khỏi trang trại và thả nó về môi trường sống tự nhiên.
Rắn hổ mang Ấn Độ được mô tả lần đầu tiên vào năm 1758. Nó được tìm thấy tại tiểu lục địa Ấn Độ và là một thành viên trong nhóm “tứ đại rắn độc” – bốn loài rắn gây ra hầu hết các vụ rắn cắn tại quốc gia này. Nhưng loài bò sát này lại nhận được sự tôn kính trong thần thoại và văn hóa Ấn Độ. Chúng có thể đạt chiều dài tới 2m, chuyên săn động vật có vú, loài lưỡng cư và thằn lằn.
Trong khi đó, rắn lục Russel cũng thuộc nhóm “tứ đại”, là loài gây ra phần lớn các vụ rắn cắn và tử vong trên thế giới. Chúng thường xuyên xuất hiện ở những nơi có con người sinh sống.
Loài này sở hữu ngoại hình gồm tất cả đặc điểm của rắn lục như đầu hình tam giác, thân mập. Chiều dài con trưởng thành trung bình khoảng 1,2m, nhưng chúng cũng có thể đạt tới 1,6m dù rất hiếm.