Tháng Một 8, 2025

PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà: “Đam mê, kiên trì mới làm được y học hạt nhân”

Không đam mê, kiên trì khó vượt qua khó khăn

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống về cơ duyên đến với ngành y và y học hạt nhân, PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà, chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) chia sẻ về con đường nghề nghiệp của mình.

PGS.TS Lê Ngọc Hà thi vào đại học tại Học viện quân y khoá đào tạo bác sỹ từ 1982. Năm 2008, sau 6 năm học tập miệt mài và là sinh viên nội trú ngành nội khoa, ông được cử về Bệnh viện 108 làm việc trong lĩnh vực nội khoa.

PGS.TS Lê Ngọc Hà trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi Lễ vinh danh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Mai Loan.

Vào thời điểm cuối những năm 1980 và đầu 1990, ngành y còn thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men và cả chuyên gia nên nhiều bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp. Điều đó đã thôi thúc ông và các đồng nghiệp nỗ lực học tập và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.

Sau khi học chuyên khoa, ông thi được học bổng thực tập sinh tại Pháp của Tổ chức giáo dục và đào tạo dành cho các nước sử dụng tiếng Pháp. Những năm sau đó, ông phát hiện ra y học hạt nhân là lĩnh vực có nhiều điều thú vị liên quan nhiều đến nội khoa và có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Được trao đổi khoa học thông qua các dự án hợp tác quốc tế và đào tạo y học hạt nhân ở Hoa Kỳ dưới sự hỗ trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông đã tiếp tục được học tập và phát triển nghề nghiệp của mình theo hướng ứng dụng y học hạt nhân ở Việt Nam và gắn bó với lĩnh vực này suốt hơn 20 năm qua.

“Càng học tập, nghiên cứu và thực hành thì mình càng cảm thấy thú vị và đam mê. Tôi nghĩ nếu không có niềm đam mê, không có sự kiên trì, vượt khó thì không thể vượt qua được. Bởi y học hạt nhân ở nước ta dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn là một lĩnh vực hẹp, chưa nhiều người biết đến và các ứng dụng của lĩnh vực này vẫn nhiều khó khăn” PGS.TS Lê Ngọc Hà chia sẻ.

Từ năm 2004, BS. Lê Ngọc Hà đã tham gia soạn thảo dự án quốc gia xây dựng trung tâm cyclotron và phát triển PET/CT – một bước tiến mới về công nghệ y học hạt nhân hiện đại ở Việt Nam.

Năm 2009, trung tâm Cyclotron và PET/CT tại Bệnh viện 108 được khánh thành và đi vào hoạt động. Từ đó, y học hạt nhân đã có bước phát triển đột phá, nhanh chóng, bắt kịp được trình độ các nước trong khu vực cũng như một số nước trên thế giới.

Với vai trò là một trong những người tiên phong trong phát triển y học hạt nhân hiện đại, bác sỹ Hà đã cùng với các đồng nghiệp phát triển khoa Y học hạt nhân,Bệnh viện 108 thành một trong những cơ sở y học hạt nhân hiện đại nhất cả nước, ứng dụng những công nghệ tiên tiến của y học hạt nhân để phục vụ người bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, y học hạt nhân đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị rất nhiều các bệnh lý ở các chuyên khoa khác nhau như tim mạch, ung thư, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết và bệnh lý xương khớp… ở nước ta.

Ngoài phục vụ người bệnh, những năm qua, Khoa y học hạt nhân, bệnh viện 108 còn đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học với nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trong các tạp chí uy tín, tiếp cận và tiến kịp với xu thế phát triển chung của y học hạt nhân trong khu vực và thế giới.

“Chúng tôi tổ chức các nhóm nghiên cứu bao gồm các bạn trẻ, các nghiên cứu sinh là những tri thức trẻ cùng nghiên cứu ứng dụng và đăng các công trình trên các tạp chí y học hạt nhân uy tín quốc tế qua đó biết được chúng ta đã hội nhập được với y học hạt nhân thế giới”, PGS.TS Lê Ngọc Hà chia sẻ.

Máy móc dù hiện đại đến đâu, quan trọng nhất vẫn là con người

Có mặt trong Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022, PGS.TS Lê Ngọc Hà cho biết ông rất bất ngờ. Ông nghĩ mình chỉ là một đại diện trong rất nhiều trí thức ngành y đang học tập, nghiên cứu, tham gia đào tạo và phục vụ người bệnh. Thậm chí, còn có rất nhiều trí thức tiêu biểu khác không có mặt trong buổi hôm nay.

“Buổi Lễ tôn vinh hôm nay tựa như những lời động viên, khích lệ đối với những người làm công việc phục vụ bệnh nhân, đào tạo, và nghiên cứu khoa học – những công việc thầm lặng giữa bao nhiêu những việc bộn bề của đất nước.

Đây là sự ghi nhận cho sự bền bỉ, nhiệt tình, đam mê của chúng tôi – người đại diện làm khoa học trong lĩnh vực y học hạt nhân – một chuyên khoa vẫn có nhiều khó khăn, vất vả. Chính vì vậy, đây là niềm tự hào lớn đối với cá nhân tôi và cả những đồng nghiệp của tôi”, PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà bày tỏ.

PGS.TS Lê Ngọc Hà cho hay, sau nhiều năm nỗ lực, cho đến nay, những thành quả đạt được khiến ông cảm thấy rất vui, thỏa mãn phần nào sự đam mê của mình, nhất là ứng dụng được trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, trong ông vẫn còn nhiều trăn trở, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong y học hạt nhân và ngành y tế.

Theo ông Hà, mặc dù hiện nay, y học hạt nhân ở Việt Nam đã phát triển, nhưng đội ngũ bao gồm bác sĩ, hoá dược phóng xạ, vật lý y khoa …vẫn còn chưa được quan tâm và phát triển tốt. Trong khi đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải hết sức bài bản và có một quá trình lâu dài.

“Dù máy móc hiện đại thế nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định, giữ vai trò quan trọng nhất. Cần có tầm nhìn xa hơn, cụ thể và thiết thực hơn để phát triển y học hạt nhân. Đặc biệt nên có chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao trong y tế một cách hợp lý để mang lại hiệu ứng tích cực, đem lại những say mê, hứng thú, nhiệt tình trong công tác cho các trí thức trẻ”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, theo PGS, TS Lê Ngọc Hà, ngành y tế cần có sự đầu tư, phát triển mang tính chất đồng bộ về trang thiết bị trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, đầu tư và phát triển những dược chất phóng xạ mới để ứng dụng phục vụ bệnh nhân và thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Với đà phát triển hiện nay, nếu có chính sách vĩ mô và vi mô thích hợp, chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực y học hạt nhân, chắc chắn lĩnh vực này sẽ còn có những bước tiến xa hơn nữa.

PGS.TS Lê Ngọc Hà sinh năm 1964. Trong quá trình công tác, ông đã đạt được một số thành tựu khoa học đáng ghi nhận. Ông đã tham gia vào nhiều dự án với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại trong lĩnh vực tim mạch, ung thư, PET/CT và cyclotron tại Việt nam …

Ông chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các đề tài cấp nhà nước như “Ứng dụng PET/CT sử dụng FDG đánh giá khả năng sống còn cơ tim và nghiên cứu giá trị FDG PET/CT trong bệnh hạch ác tính, ung thư đại trực tràng”, “Nghiên cứu ứng dụng PET/CT và cyberknife trong chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến giáp, tiền liệt tuyến và phổi”, ứng dụng điều trị đích trong ung thư tuyến giáp biệt hoá kháng I-131” …. và các đề tài cấp bộ như “ “Sử dụng I-131 trong điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật”, “Nghiên cứu giá trị của xạ hình SPECT tưới máu cơ tim Tc99m-sestamibi trong chẩn đoán bệnh động mạch vành”…

Ông đã nhận được giải thưởng “Thành tích nổi bật” của Hội dược chất phóng xạ Thế giới (2008).

Thành viên tham gia nhận giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2005 cho cụm đề tài “Nghiên cứu một số kỹ thuật y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành”.

Ông cũng là một thành viên nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh cụm công trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan.

Mới đây nhất, ông đã được Chủ tịch nước trao bằng khen tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

 

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version