Bánh chưng, Việt Nam
Bánh chưng là một loại bánh của dân tộc Việt Nam từ thời ông bà tổ tiên truyền lại, một loại bánh nhằm thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ của con cháu đối với tiền nhân, đất trời xứ sở.
Bánh chưng có hình vuông với các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và được gói bằng lá dong, buộc bằng những chiếc lạt mềm. Sau khi bánh chín, chiếc bánh thơm quyện vị nguyên liệu và hương vị của những chiếc lá.
Cứ đến sát những ngày Tết, không khí mua lá gói bánh, mua đậu, mua nếp, mua lạt lại xôn xao khắp các chợ địa phương.
Món lạp, Lào
Tết của Lào thường diễn ra muộn hơn, vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì món Lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Lạp có nghĩa là may mắn, phúc lộc dồi dào.
Món ăn này được làm rất cẩn thận, vì nếu không ngon, người ta tin rằng cả năm sẽ gặp điều không may. Người Lào thường tặng nhau món Lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc…
Sủi cảo, Trung Quốc
Với người dân Trung Quốc, bữa tối đầu năm mới là bữa ăn quan trọng nhất trong cả năm nên trong bữa tiệc trọng đại này, mọi thành viên trong gia đình phải có mặt.
Trong bữa ăn đó, họ thường bày biện ra rất nhiều món ăn với nhiều ý nghĩa tượng trưng khác nhau và trong số đó phải kể đến món sủi cảo. Sủi cảo là món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Trung Quốc. Theo truyền thống, vào đêm giao thừa, các gia đình ở Trung Quốc thường quây quần gói sủi cảo và thưởng thức món ăn này trong bầu không khí đầm ấm, bình an của ngày Tết.
Teok Guk, Hàn Quốc
Người dân Hàn Quốc thường tự làm các món ăn từ gạo và khoai tây trong đầu năm mới. Món ăn truyền thống của người Hàn Quốc trong dịp Tết Nguyên đán là canh “Teok Guk” (gồm bánh Teok, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa và gia vị). Bánh Teok màu trắng có hình bầu dục tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian.
Món ăn từ cá, Nhật Bản
Bàn ăn Tết của người Nhật không thể thiếu các món được chế biến từ cá. Theo quan niệm của người Nhật, khi ăn các loại thức ăn chế biến từ cá sẽ giúp cho con người năng động hơn, tâm trí sẽ sáng suốt trong công việc làm ăn.
Ngoài các món trên, người Nhật thường ăn đồ ngọt làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ. Tất cả những món ăn trong năm mới thường được bảo quản trong những chiếc hộp quét sơn đỏ. Hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Bánh Tikoy, Philippines
Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người dân Philippines là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Người Philippines tin rằng, ăn bánh Tikoy vào ngày đầu năm giúp những người thân trong gia đình thêm gắn bó, đoàn kết và luôn bên nhau.
Cá Amok Trey, Campuchia
Thành phần của món ăn này gồm có cá phi lê với nước cốt dừa, đậu phộng, trứng vịt, thốt nốt và hỗn hợp gia vị cay truyền thống được gọi là Kroeung. Tất cả nguyên liệu sẽ được gói trong lá chuối và hấp lên. Món ăn có vị cay của ớt, vị ngậy của cốt dừa và vị ngọt của thốt nốt. Món ăn này ăn kèm với cơm hoặc mì. Du lịch Campuchia du khách có thể tìm được món ăn này ở khắp các con phố.
Gỏi cá Yu Sheng, Singapore
Đây là món gỏi làm từ 27 nguyên liệu gồm các loại rau, củ, cá hồi, kết hợp với nhiều loại nước sốt và gia vị. Người dân đất nước Singapore tin rằng ăn món ăn ngày đầu năm mới sẽ mang lại may mắn.
Mỗi thành phần đều chứa đựng ý nghĩa tốt lành, cá biểu trưng cho sự phồn vinh, cà rốt mang lại may mắn, củ cải xanh cho tuổi thọ, củ cải trắng chứa hàm ý thăng tiến. Món ăn còn có nước sốt, gia vị rất tinh tế như lạc giã nhỏ ngụ ý cho vàng bạc, nước sốt ngũ vị hương tượng trưng cho 5 loại phúc lành, nước sốt mận màu vàng đẹp mắt như dát vàng mọi thứ.