Tháng Một 8, 2025
mon tet ngay xua xu bac 636bedb32c19d

Món Tết ngày xưa xứ Bắc

Món Tết ngày xưa xứ Bắc - Ảnh 1.

Bánh chưng của nhà tôi – Ảnh tác giả cung cấp

Tết đến, xóm làng tôi thường rủ nhau ăn đụng, một con lợn to, thịt ra chia đều cho mỗi nhà. Cái lành lạnh cuối mùa đông chưa kịp tan, vẫn lẩn quất đâu đây trong những ngày giáp Tết.

Nhà tôi chuẩn bị nấu nồi thịt đông. Mẹ thái vuông từng miếng ba chỉ, chân giò. Cho một ít nước vừa đủ, một ít mộc nhĩ cùng gia vị, thả vào xoong đun sôi lên và chắt đến khi nước thật trong.

Ngày xưa miền Bắc thời tiết ít nóng vào mùa Tết, người ta dùng cái lạnh để có một món ăn thật tuyệt. Lạnh ướp những lớp mỡ lợn đông như tuyết, ăn béo ngầy ngậy, mát và thanh.

Những đứa em tôi xúng xính áo đỏ áo xanh, chạy đuổi nhau quanh bếp. Mùa xuân thơm như hương gạo nếp, tròn vành vạnh như hạt đỗ xanh chưa xay. Cả nhà tôi gói bánh chưng, một nong chất đầy lá dong mươn mướt.

Một bát gạo nếp vừa đủ, một vốc đỗ nhỏ màu vàng, một lát thịt mỡ ướp hạt tiêu vừa rang lên thơm phức.

Chẳng mấy chốc chiếc rổ đã chất đầy bánh chưng, bà tôi lấy nồi đồng xếp bánh vào, đặt lên bếp củi luộc chín. Bà dặn tôi luôn trông củi cho lửa cháy thêm đượm. Ngọn lửa hồng làm bừng ấm cả mùa xuân.

Bố tôi mải mê thái thật mỏng từng miếng thịt thăn, chiếc cối đá bố giã thịt cho mềm mịn. Những chiếc lá chuối xanh mướt, bố để vào khay, nêm nếm gia vị vừa đủ và quay thành giò.

Những chiếc giò lụa mịn màng nóng hổi trong ngày xuân năm mới chẳng thể thiếu bên mâm cơm tất niên. Giò bố thái xếp thành hình bông hoa thật đẹp, tôi chỉ muốn ngắm thôi chứ chẳng nỡ ăn.

Mẹ ngồi bên hiên cùng tôi tước những củ hành tươi trắng nõn, tôi giúp mẹ rửa sạch trên chiếc rổ tre đặt ở bờ tường.

Ba phần nước, hai thìa đường, năm thìa muối. Nước sôi để nguội, tôi khuấy đều trong chiếc vại sành.

Tôi thả những củ hành vừa rửa sạch, thái thêm hai củ cà rốt, một củ su hào cho đa dạng sắc màu. Đợi khoảng ba ngày sau, dưa hành chua vừa đủ để ăn cùng thịt đông rất hợp.

Món Tết ngày xưa xứ Bắc - Ảnh 2.

Thịt đông của nhà tôi – Ảnh tác giả cung cấp

Những thớ măng khô thành nếp, mẹ bảo tôi ngâm nước nửa ngày cho mềm ra. Hai mẹ con xắt măng thành miếng vuông vắn, rửa sạch cho vào nồi. Bếp củi đun ùng ục sôi, tôi chắt măng đi khoảng hai ba lần nước.

Cho thêm xương lợn ninh lửa thật nhừ. Món măng này là món Tết gia truyền không thể thiếu trong mâm cơm cuối năm từ ngày xưa. Thảng hoặc bên mâm cơm ngày Tết, chuyện xa chuyện xưa cứ thế chen lấn ùa về.

Chiều cuối năm, khi ngoài trời mưa lâm thâm là lúc cả nhà chuẩn bị bữa cơm tất niên. Ông rất hiền, chòm râu dài, tay thật khéo bày mâm ngũ quả. Hương bưởi thơm lừng nức mũi, đu đủ chín vàng ươm, những trái táo vườn nhà tròn xoe mắt biếc.

Ông tôi đặt lên bàn thờ trên chiếc khay bằng sứ, thắp nén hương trầm bảng lảng khói bay. Hương thơm đặc trưng của ngày Tết có gì đó rất riêng, ấm nồng và thiêng liêng tình đoàn viên hạnh phúc.

Buổi tối choàng đến rất mau. Làn khói bếp nhà ai cũng bảng lảng. Mâm cơm tất niên bố đặt lên bàn thờ đợi cúng tổ tiên. Mùa xuân về, những chuyện cũ qua đi, ai cũng ngóng đợi những điều tốt đẹp cho năm mới.

Cả nhà ăn cơm, mẹ xắn miếng thịt đông cho các em, tôi ăn thử miếng dưa hành muối. Bà ăn miếng bánh chưng xanh rền, ông thử lát măng chín mềm đậm, bố nếm miếng giò lụa. Cả nhà vui náo nức, rộn rã tiếng cười đan vào nhau.

Mùa xuân năm nay ông bà tôi đã theo tổ tiên về với mây trời. Câu chuyện ông bà kể về ngày xưa nay bố mẹ tôi lại tiếp tục kể cho con cháu nghe bên mâm cơm chiều cuối năm chất đầy nỗi nhớ.

Ông bà ơi! Cây đào năm nay vẫn nở hây hây, bánh chưng xanh vẫn rền trong thớ lá. Con cháu nhớ ông bà và những mùa xuân còn tươi ấm, nóng hổi trên mâm cơm ngày Tết thân thương.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *