Tháng Mười Hai 2, 2024

Mất hơn 200 triệu đồng sau cú nhấp chuột

Sau cú nhấp chuột vào đường link lạ, tài khoản Facebook của một người đàn ông đã bị các đối tượng xấu chiếm đoạt, rồi giả danh nhắn tin đến bạn bè người thân của anh để vay tiền và đã chiếm đoạt thành công hơn 200 triệu đồng.

“Đầu tiên nói, anh cho em vay 50 triệu. Anh bạn tôi đồng ý, rồi nó lại nhắn tin tiếp, anh cho em vay thêm 150 triệu nữa, và anh ấy cũng đồng ý. Khi chuyển tiền xong rồi chúng tôi mới biết được bị lừa”, anh Lê Anh Tuấn – Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, nhiều lần xâm nhập, chiếm đoạt tài khoản Facebook của người phụ nữ này nhưng không thành. Nhóm đối tượng đã quay sang gửi đường link giả danh Bộ Công an đang thu thập thông tin. Yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng giả mạo Bộ Công an. Sau khi nhập mã OTP theo yêu cầu của nhóm đối tượng thì số tiền hơn 6 tỷ đồng trong tài khoản đã bị nhóm này chiếm đoạt.

“Họ yêu cầu tôi sử dụng điện thoại chạy hệ điều hành Android và tải phần mềm vn84. Sau đó các đối tượng yêu cầu tôi điền thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và mã OTP…”, nạn nhân cho biết.

Theo các chuyên gia công nghệ, trong các website và các đường link giả mạo này chứa mã độc có thể ăn cắp thông tin cá nhân, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

“Những trang web này có thể gắn những mã độc, những mã này được tải xuống và gắn vào thiết bị điện thoại hoặc máy tính của người sử dụng. Từ đó thì chiếm quyền kiểm soát của người dùng và lấy những thông tin nhạy cảm và dữ liệu quan trọng của người đó”, ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar cho biết.

Không nên chia sẽ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội được xem là một trong những cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ lừa đảo

“Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội”, Đại tá Trương Sơn Lâm nhấn mạnh.

Số liệu từ cơ quan giám sát an ninh mạng cho biết từ đầu năm đến nay, các vụ lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam liên tiếp gia tăng. Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5,4 triệu tên miền độc hại và các website giả mạo, đang tìm cách xâm nhập vào không gian mạng để lừa đảo, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm gia tăng nhiều nhất vẫn là các chiêu trò giả danh ngân hàng điện tử, ví điện tử, bán hàng online và các dịch vụ mạng xã hội.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version