Tháng Mười Hai 2, 2024

Loài chó có khả năng “ăn cả thế giới”, là hung thần của sinh vật nhỏ

Tanuki là một loài động vật hoang dã thuộc họ Chó đặc hữu ở Nhật Bản. Chúng sở hữu bộ lông rậm rạp với màu lông đặc trưng ở phần mắt. Thoạt nhìn, trông chúng có vẻ rất giống với gấu mèo, nhưng thực ra, hai loài này chẳng hề liên quan họ hàng với nhau.

Sở hữu vẻ bề ngoài dễ thương như thú nhồi bông, nhưng thực chất lửng chó lại là nỗi kinh hoàng với mọi sinh vật nhỏ bé mà chúng gặp. Loài vật này có khả năng “ăn cả thế giới” với cái bụng đói như “thùng không đáy”. Nhờ chế độ ăn đa dạng, chúng đang xâm lấn nhiều nơi trên thế giới và tàn phá hệ sinh thái.

Tuy thuộc họ Chó nhưng lửng chó lại có quan hệ họ hàng gần với cáo hơn là chó nhà và chó sói. Kẻ săn mồi đói khát này ăn tạp nhất trong số loài chó.

Chúng ăn rất nhiều thứ, từ rễ cây, cá cho tới chim chóc. Những loài gặm nhấm như chuột nhảy và chuột đồng cũng nằm trong thực đơn của chúng. Thậm chí, ở vùng đầm lầy, lửng chó “xơi” cả rùa và ếch độc. Chúng tự bảo vệ bản thân bằng cách tiết thêm nước bọt để làm loãng độc tố. 

Suốt mùa đông giá rét, khi nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm hơn, lửng chó tìm ăn cả xác thối và phân. Chế độ ăn đặc biệt này khiến chúng bị “hôi miệng”, nhưng nhờ đó sống sót được qua những tháng rét buốt.

Không chỉ ăn tạp, lửng chó còn được mệnh danh là “bậc thầy” của khả năng “tàng hình”. Chúng chủ yếu hoạt động về đêm, nhờ đó giúp bảo vệ con non thoát khỏi sự dòm ngó của “kẻ săn mồi” ban ngày như đại bàng và con người.

Giống như gấu mèo có khả năng chống chọi và sống sót qua mùa đông khắc nghiệt vùng Bắc Mỹ, thì lửng chó lại có bộ lông rất dày, nhờ đó bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ thấp tới -25 độ C. Chúng cũng giống như các loài ngủ đông khác phải dựa vào nguồn dự trữ chất béo để tồn tại.

 Nó trở thành “nỗi ác mộng” với các sinh vật nhỏ (Ảnh: Animal).

Khi bước vào trạng thái ngủ đông, lửng chó thường nặng khoảng 7kg. Mùa đông rét mướt kết thúc, chúng thậm chí sụt một nửa trọng lượng. Bởi vậy, những con “không đủ béo” khó lòng tồn tại qua mùa rét khắc nghiệt như ở Siberia.

Suốt theo chiều dài lịch sử, lửng chó trở thành loài bị con người săn lùng để kiếm bộ lông dày của chúng làm áo khoác và mũ. Vào đầu thế kỷ 20, những thợ săn người Nga đưa chúng tới trang trại lông thú ở miền tây nước này để kiếm bộ lông dễ dàng hơn.

Nhưng một số con đã trốn thoát và bắt đầu sinh sản trong tự nhiên. Kể từ đó, chúng mở rộng phạm vi phân bố tới phía tây nước Nga, các nước Baltic, Phần Lan và một phần của Thụy Điển, rồi tới Trung Âu, Tây Âu. 

Thực tế phải thừa nhận, lửng chó đang là mối đe dọa với nhiều động vật bản địa, các quần thể chim, động vật lưỡng cư và bò sát. Bởi vậy, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đang cố gắng loại bỏ chúng.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version