Tháng Một 8, 2025

Kỳ công làm món tàu hũ ky vừa giòn, vừa dai và đầy dinh dưỡng

Công đoạn ngâm, đánh vỏ đậu nành – Ảnh: CHÍ HẠNH

Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa là dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh sông Cái Vồn, gần chân cầu Cần Thơ, thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Dân làng nghề truyền miệng nhau rằng, tàu hũ ky vốn là một món ăn xuất xứ từ “con nhà nghèo”. Bởi xa xưa có một gia đình nghèo làm nghề bán sữa đậu, trong lúc đun nồi sữa trên bếp thì quên bẵng đi, sữa bị đóng thành váng.

Sau khi xay, nước cốt đậu nành được cho vào chảo đun sôi – Ảnh: CHÍ HẠNH

Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo. Khi nhà chẳng còn gì ăn, vợ chồng họ bèn lấy váng sữa khô đem ra chế biến, với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Từ đó, tàu hũ ky ra đời và trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.

Ông Nguyễn Tấn Thậm (68 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa) – người có hàng chục năm gắn bó với nghề sản xuất tàu hũ ky cười bảo: “Đó là sự tích, còn để làm tàu hũ ky chuyên nghiệp thì phải tốn công hơn nhiều, nghề này đòi hỏi lắm công phu”.

Nước đậu đóng thành váng, được vớt treo lên sào – Ảnh: CHÍ HẠNH

Theo ông, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa hình thành từ thời anh em nhà ông Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp. Bà con trong vùng thấy hay nên đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hũ ky đông lên thành hẳn một làng nghề.

Để làm tàu hũ ky, dân làng nghề đem đậu nành ngâm trong nước chừng 2 tiếng cho nở, mềm rồi mang xay thành bột. Sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước, nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng.

Công đoạn vớt váng, chế biến tàu hũ non dạng sợi – Ảnh: CHÍ HẠNH

Thông thường người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít. Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C.

Nếu muốn lá tàu hũ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo.

Thợ làng nghề tàu hũ ky vuốt tàu hũ ky cho ráo nước để tạo hình sợi – Ảnh: CHÍ HẠNH

Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Để có được 1kg tàu hũ ky với giá chừng 100 ngàn đồng bán ra thị trường, nguyên liệu phải dùng khoảng 2,5kg đậu nành tươi.

Nhắc đến tàu hũ ky, nhiều người mặc định đó là đồ chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu độc quyền dành riêng cho những người ăn chay nữa. Vì không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hũ ky còn được sáng tạo, đa dạng trong chế biến. Nào là tàu hũ miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, cọng non, tàu hũ ky ướp muối…

Từng miếng tàu hũ ky được phơi khô thành phẩm – Ảnh: CHÍ HẠNH

Mấy chục năm qua, người dân làng nghề cũng trở nên quen dần với mùi khói đặc trưng của những miếng tàu hũ ky vàng ruộm, cùng hình ảnh giàn sợi tàu hũ ky chờ nắng dọc bờ sông.

Ông Lê Thanh Thuận – trưởng phòng kinh tế thị xã Bình Minh cho biết – làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa đã tồn tại gần 70 năm nay. Hiện làng nghề có khoảng 27 hộ gia đình duy trì sản xuất theo cách làm truyền thống, giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.

Tàu hũ ky dạng sợi thành phẩm trong môi trường lò sản xuất nhiệt độ 70 độ C – Ảnh: CHÍ HẠNH

“Đây là làng nghề thủ công truyền thống, mang đặc trưng văn hóa làng nghề của địa phương. Địa phương đã có nhiều hỗ trợ để bà con làng nghề duy trì sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng để hàng hóa được bán xa hơn.” – ông Thuận nói.

Mỗi ngày, làng nghề sản xuất được khoảng 3 tấn hàng hóa. Đây là nguyên liệu để làm nhiều món ăn cả chay lẫn mặn lạ miệng, nên tàu hủ ky Mỹ Hòa được thị trường miền Tây, miền Đông ưa chuộng.

Là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Vĩnh Long, năm 2013 làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa công bố và đưa nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version