Tháng Một 8, 2025

Gỏi gà măng cụt Lái Thiêu: Vị ngon quên lối về, xứng danh ‘nữ hoàng của các loại gỏi’

Có thể nói, gỏi là món ăn hấp dẫn lại vô cùng dân dã bởi nguyên liệu đều là những loại trái cây quen thuộc, rau củ có sẵn trong vườn. So với các món gỏi truyền thống trứ danh như gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi vịt, gỏi xoài, gỏi bưởi, gỏi đu đủ, gỏi sứa thì gỏi gà măng cụt tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại sớm trở thành món ngon lạ miệng, thậm chí còn được ví như “nữ hoàng của các loại gỏi” nơi miệt vườn Nam bộ.

Gỏi gà măng cụt – “nữ hoàng của các loại gỏi” (Ảnh: baobinhduong)

Vị chua ngọt tự nhiên đậm đà của trái măng cụt hòa quyện với thịt gà thơm mềm, vị béo ngậy đặc trưng của tôm thịt, lạc rang (đậu phộng)… tạo nên hương thơm thanh mát, món gỏi “ngon quên lối về” này khiến thực khách lỡ ăn một lần cứ vương vấn mãi không thôi.

Mùa hè là thời điểm đơm hoa kết trái của quả măng cụt ở các tỉnh miền đông Nam Bộ. Do thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu nên măng cụt ở Lái Thiêu (Bình Dương) có hương vị đặc biệt thơm ngon, hậu vị ngọt thanh, ít nơi nào có được.

Gỏi măng cụt xanh được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh: Henry Dương)

Do mỗi năm chỉ có một mùa măng cụt nên đi du lịch “không đúng thời điểm” thì du khách khó có thể được thưởng thức món gỏi chuẩn vị “măng cụt xanh” này. Ngay cả dân sành ăn ở Bình Dương cũng phải chờ đến mùa (tầm tháng 4 đến tháng 6) mới được thưởng thức gỏi gà măng cụt, và nhất định phải ăn ở Lái Thiêu thì mới cảm nhận được hết vị ngon của món ăn bởi măng cụt nơi đây từng được mệnh danh là “đặc sản tiến vua”.

Không chỉ là đặc sản nức tiếng với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, gỏi măng cụt xanh còn được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao. Măng cụt chứa nhiều vitamin như sắt, B1, C… đặc biệt là chất xơ giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, chất xanthones trong măng cụt có tác dụng làm giảm thiểu tác động từ cholesterol xấu, hỗ trợ giảm béo phì hiệu quả.

Đặc sản nức tiếng với hương vị thơm ngon, hấp dẫn (Ảnh: bachhoaxanh)

Sở dĩ món gỏi gà măng cụt được người sành ăn xếp vào hàng “cao lương mĩ vị” của đất phương Nam bởi khâu chế biến cực kì tỉ mỉ. Măng cụt để làm gỏi thường chọn những quả còn xanh vỏ nhưng đã đủ độ già, phần cơm (hay còn gọi là ruột, thịt) vừa chín tới để khi tách vỏ, ruột măng có độ giòn, vị ngọt, chua vừa phải, chắc thịt và vị chát lạ miệng.

Ngoài ra, sử dụng măng cụt vỏ xanh thì khi cắt sẽ giữ nguyên hình dạng bông hoa trông rất đẹp mắt, còn lúc trộn gỏi sẽ không bị dập nát hoặc chuyển từ màu trắng sang màu nâu như măng cụt chín cây.

Gỏi gà măng cụt thuộc hàng “cao lương mĩ vị” (Ảnh: Đặng Tài Giỏi)

Chọn được quả măng cụt ưng ý rồi, tới công đoạn sơ chế cũng không kém phần “li kì”, đòi hỏi người thực hiện phải “vận công” cực kì tỉ mỉ, công phu. Việc tách vỏ để lấy ruột làm gỏi mất khá nhiều thời gian, tốn chừng 3-4kg măng quả mới tách được 1kg ruột.

Măng cụt mua về hoặc sau khi hái xuống được ngâm trong nước muối loãng cho bớt mủ (nhựa). Khéo léo dùng dao gọt trực tiếp dưới vòi nước xả để mủ không dính chặt vào lưỡi dao, dễ dàng rửa sạch lớp nhựa màu vàng.

Gỏi gà măng cụt phải chọn loại gà ta hoặc gà tre (Ảnh: Trang Nguyễn)

Phần thịt bên trong tách khỏi vỏ được cắt khoanh tròn ngâm trong nước đá, giấm đường hoặc chanh để không bị thâm, tăng độ giòn và giảm vị chát. Bằng những thao tác sơ chế kĩ lưỡng, phần thịt quả măng cụt vẫn giữ nguyên độ trắng, giòn và không bị dập nát, món gỏi trông càng bắt mắt hơn.

Người miền Nam thường sử dụng thịt gà thả vườn trong các món ăn, bởi độ săn chắc, ngọt mềm của từng thớ thịt giúp món ăn thêm bắt vị và mang đậm hương vị miệt vườn. Riêng món gỏi gà măng cụt thì nhất định phải chọn loại gà ta hoặc gà tre, da vàng, thịt chắc, không bị bở, có vị ngọt tự nhiên. Trong khi luộc gà có thể nêm chút mắm, tiêu, hạt nêm… để thịt gà thêm đậm đà, dậy mùi thơm hấp dẫn. Nước luộc gà dùng để nấu cháo, thêm ít nấm rơm, ăn kèm gỏi măng cụt rất ngon.

Măng cụt ở Lái Thiêu có hương vị đặc biệt thơm ngon (Ảnh: Chiều nay quán)

Thịt gà luộc chín, để nguội rồi xé miếng vừa ăn, trộn thêm chút tiêu và nước mắm chua ngọt. Thịt gà ta hơi dai chứ không bị bở như gà công nghiệp, phần da và mề gà giòn sần sật, gan gà thơm bùi ngậy. Cà rốt bào sợi, lạc (đậu phộng) rang, hành phi, rau răm xắt nhỏ, hành tây xắt mỏng, vài lát ớt cùng các loại gia vị nêm nếm vừa ăn.

Trên chiếc mẹt tre lót lá chuối, món gỏi được bày ra với những lát măng cụt xanh thái mỏng, chua dịu và cực giòn trộn đều với thịt gà và các loại rau thơm. Tất cả trộn chung cho ngấm gia vị, rồi lấy từng miếng phồng tôm xúc ăn kèm.

Nước luộc gà dùng để nấu cháo, ăn kèm gỏi măng cụt rất ngon (Ảnh: Nguyễn Chi Chi)

Món đặc sản nức tiếng vùng Đông Nam Bộ với măng cụt chua ngọt mang mùi thơm đặc trưng, thêm vị giòn giòn của phồng tôm, hòa cùng vị ngọt dai của thịt gà, thơm thơm của lạc rang và các loại rau… tạo nên hương vị thanh mát, hài hòa, ăn một lần nhớ mãi.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version