Tháng Mười Hai 2, 2024
gio dua gio day ve ray an cong ve song an ca ve dong an cua 62fe10a88c4b7

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua... - Ảnh 1.

Canh chua bông điên điển

Khi nhắc đến làng cũ, một trong những thú vui không thể bỏ qua là đi giăng lưới cá đồng, rồi thưởng thức những món ăn tuy mộc mạc nhưng rất ngon lành từ cá rô, ngay trong gian bếp nhà quê thân thương, ấm áp.

Ở Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng kênh rạch chằng chịt đầy ắp cá tôm rùa ếch.

Cũng do đó mà người ta nói rằng về miền Tây là không lo bị đói vì đi đâu cũng có những đặc sản trù phú mà thiên nhiên hào sảng ban tặng cho con người. Sự trù phú ấy từ thời xa xưa đã được đúc kết thành nhiều câu ca dao lưu truyền cho đến tận ngày nay như:

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”

Hằng năm, sau hai đến ba vụ lúa, nhiều gia đình trong làng tôi lại bắt tay chuẩn bị câu, lưới để mưu sinh. Mỗi nhà vài tay lưới để bắt cua, bắt cá.

Thiên nhiên đã ban tặng người dân quê tôi nhiều sản vật, trong đó phải kể đến là cá rô, cá linh, bông súng, bông điên điển… những món ăn làm nên nét đặc trưng của miền Tây.

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua... - Ảnh 2.

Cá đồng kho ăn với rau luộc

Cứ tầm tháng bảy âm lịch là người dân làng tôi lại ngóng trông lũ về. Ở những nơi khác, lũ lụt là nỗi ám ảnh. Thế nhưng, với chúng tôi, mùa nước lũ chính là mùa tươi vui, no ấm và ghi dấu nhiều ký ức tuổi thơ tươi đẹp nhất.

Mọi năm “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, khi tôi còn nhỏ, nếu không phải đến trường thì chắc chắn sẽ cùng mấy đứa bạn hàng xóm nhong nhong ngoài đồng cả ngày không theo người lớn giăng lưới thì cũng mang theo chiếc cần câu nhỏ ngồi câu cá đồng, không thì đi hái bông điên điển, so đũa, bông súng… về cho má nấu canh chua. 

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua... - Ảnh 3.

Bữa cơm quê

Một trong những điều mê nhất với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy là theo người lớn đi giăng lưới cá đồng. Tía tôi kể lại, lưới giăng cá đồng thường xài mắt cỡ 5 phân là vừa, mắt lưới nhỏ hơn dễ dính các loại cá giống.

Chiều cao lưới (dân nông thôn hay gọi là dạo) từ phao nổi cho đến giềng dưới từ 5 – 6 tấc, độ dài ngắn của tay lưới tùy theo bề rộng mặt ruộng. Lưới ở tiệm bán thường được bắt giềng sẵn, nhưng những người “sát cá” chuyên nghiệp như tía tôi ít khi hài lòng.

Khi mua lưới thường mua kèm dây gân, về nhà tự bắt giềng lại, rồi thêm bớt phao, chỉ, chỉnh độ chùng của lưới… để khi giăng bắt cá được nhiều hơn.

Thời điểm giăng lưới cá đồng lý tưởng nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối. Người đi giăng lưới thường chọn một nơi ưng ý, dùng tay vẹt cỏ, gốc rạ, rong rêu mọc xung quanh, cốt yếu để tạo thành một khoảng trống đủ rộng cho giềng dưới chìm tới đáy ruộng.

Lưới giăng không cần quá thẳng, cũng không quá chùng, chỉ vừa đủ cho tôm cá mắc vào, vùng vẫy rồi dính chặt vào lưới. Hai đầu lưới được cố định bằng hai cây nhỏ cỡ ngón tay cái, cắm chặt xuống đất ruộng, gọi là “đài”.

Cây đài vừa có tác dụng giữ lưới không cho trôi đi, vừa là dấu hiệu nhận diện cho người đi thăm lưới có thể trông chừng từ xa.

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua... - Ảnh 4.

Cá đồng kho

Thông thường, những chỗ cá đi nhiều, người đi giăng có thể neo lưới 2, 3 đêm mới dời sang chỗ khác, nhưng lưới cũng cần được cuốn vô nhà, giặt sạch cho sợi lưới bén thì mới nhạy cá. Tía tôi hay bảo cá đồng rất nhạy cảm, nếu lưới neo một chỗ lâu quá đóng rong, cá sẽ đi tránh luồng khác.

Người dân quê tôi thường có thói quen giăng lưới vào chiều hôm trước, sáng sớm khi mặt trời bắt đầu hửng nắng thì đi thăm. Cá cũng hay lên ruộng nhiều khi trời mưa.

Giăng tay lưới mà đêm hay sáng sớm có mưa lớn, được xem là điềm may mắn. Do khi bơi xuồng đi thăm lưới, hễ thấy cây đài giật giật liên tục, hoặc đổ nghiêng là biết cá nhiều.

Lưới dính được nhiều cá thì vui, nhưng gỡ cá cũng chẳng phải chuyện đơn giản gì. Tía tôi là dân chuyên nghiệp giăng lưới hàng đêm mà bàn tay vẫn chi chít những vết cá đâm. Mấy lần má tôi xót, dặn tía phải cẩn thận. Tía tôi cười xòa: “Chèn ơi! Chuyện nhỏ xíu mà bà với sắp nhỏ làm căng không hà!”.

Và rồi khi tía đem cá về nhà, má tôi sẽ là người đứng ra chế biến “chiến lợi phẩm” ấy. Má biết tôi mê cá đồng nên cứ đến mùa là thường xuyên nấu đủ các loại món. Cá đồng kho tiêu thật mềm ăn với cơm nóng là tuyệt nhất, ăn hoài không chán. Lẩu cá ăn kèm bông súng, điên điển, so đũa cũng tuyệt ngon.

Thêm cả món cá đồng nướng than, thơm nức mũi. Chỉ cần nhấm một chút nước lẩu cay cay, gắp miếng cá béo béo chấm cùng chút mắm mặn, ăn thêm miếng cơm trắng nóng hổi, mới nghĩ đến thôi đã tứa nước miếng rồi.

Cả một chặng đường tuổi thơ dài của tôi ở làng cũ đều gắn liền với những mùa nước nổi và biết bao món ăn đồng nội được nấu bằng sự khéo léo, vun vén của tía má.

Để rồi, khi một mình sống giữa phố thị xa hoa, đi qua hết nửa đời người, mới thấy bản thân nhung nhớ khôn nguôi hương vị quê nhà, thèm một bữa cơm với cá đồng vừa được giăng lưới, nghe một điệu hò văng vẳng trên sông.

Tiếc thay, giờ tía má đã đi xa, bỏ lại mình tôi giữa dòng đời cô quạnh, đau đáu hoài một nỗi nhớ quê nhà.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *