Cua biển tươi vốn đã ngon rồi nên không cần chế biến quá nhiều. Chỉ cần luộc hoặc hấp chín, chấm với muối chấm hải sản là dậy vị tuyệt cú mèo luôn. Hấp cua tuy đơn giản nhưng nhiều người vẫn gặp phải các lỗi như chân hoặc càng bị rụng, màu lên không đẹp. Bởi không ít chị em bối rối khi hấp cua biển nên dùng nước nóng hay nước lạnh?
Một số mẹo nhỏ sau đây cực hữu ích với chị em sẽ giúp món cua hấp hoặc luộc được thơm ngon và đẹp mắt nhé!
Rửa sạch cua
Rửa sạch cua góp phần loại bỏ mùi tanh khi hấp cua. Bề mặt cua bám nhiều nhiều cát và vi khuẩn, chính vì hấp cả con cua nên cần làm sạch kỹ càng. Nhiều người cho rằng, ngâm cua vào nước sẽ giúp cua nhanh sạch. Nhưng trong quá trình này, cua uống nhiều nước nên khi hấp sẽ dễ ra nước bị nhạt và ít ngon.
Làm sạch cua đúng cách là dùng bàn chải chà sạch. Có thể chà sạch cua dưới vòi nước chảy, chà kỹ phần mai, yếm và các kẽ chân, càng. Sau đó để ráo nước và chuẩn bị hấp.
Hấp cua với nước lạnh
Đầu tiên, mua cua về cần làm sạch cua. Khi hấp phải dùng nước lạnh để cua được nóng đều và khi cua giãy giụa thì càng không bị rụng. Điều này đặc biệt đúng với một số loại cua dễ bị rụng càng, rụng chân như cua lông Thượng Hải, cua da Hải Dương,…
Đặt cua ngửa bụng khi hấp
Nhiều người khi mua cua thấy bị trói dây, về nhà rửa xong liền cắt dây rồi cho vào nồi. Không nên làm như vậy bởi cua giãy mạnh khi hấp hoặc luộc có thể khiến cua bị gãy càng, rụng chân, bày ra đĩa không đẹp.
Thế nên, khi hấp cua, chị em nên để dây buộc cua, ngửa phần bụng cua lên nhé!
Nhiệt độ hấp cua
Điều chỉnh lượng nhiệt khi hấp cua là một điều vô cùng quan trọng quyết định việc cua có đạt được độ ngon hoàn hảo hay không. Lúc đầu, chị em đậy kín vung và hấp trong vòng 5 phút với lửa to. Sau đó, hạ lửa nhỏ và tiếp tục hấp trong khoảng 15 – 20 phút thì tắt bếp. Lưu ý thời gian hấp sẽ phụ thuộc vào độ to nhỏ của con cua nữa.
Nên dùng nước lạnh để hấp cua, điều này cũng giúp gạch cua từ từ đông lại không bị trào ra ngoài. Nếu như đun sôi nước mới cho cua vào hấp thì cua bị nóng đột ngột, phần gạch sẽ dễ bị trào ra đồng thời chân cua dễ bị rụng.
Cua biển rất giàu axit amin, axit béo không no, canxi, phốt pho và nhiều nguyên tố vi lượng khác giúp cơ, xương chắc khỏe, đồng thời giúp nâng cao khả năng miễn dịch.
Món ngon không cần nấu cầu kỳ, cách hấp đơn giản sẽ giúp cua giữ được hương vị nguyên bản nhất. Ngoài ra, nên ăn cua tươi, không nên mua cua chết rất dễ sinh sôi vi khuẩn, dẫn đến các chất độc hại không tốt cho cơ thể.
Cua hấp hoặc các món cua khác nên ăn trong một bữa, nếu không trong quá trình bảo quản sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển, dinh dưỡng lẫn mùi vị bị giảm đi nhiều. Cho nên, khi mua cua, chị em nên tính số lượng vừa đủ với người dùng nhé.
Nắm vững mẹo hấp cua thơm ngon rồi, chị em thử công thức hấp cua đơn giản sau đây nhé.
Cách thực hiện món cua Cà Mau hấp đơn giản
Cua Cà Mau dễ mua, giá cả cũng phải chăng, thịt thơm ngon, gạch béo ngậy nên được nhiều chị em săn lùng. Chị em thử mua cua về hấp theo công thức đơn giản này nhé, đảm bảo ngon luôn đó.
Nguyên liệu cần: cua Cà Mau 3 con, hành tây nửa củ, gừng 1 lát, 2 thìa rượu nấu ăn, 1 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, 1 thìa đường, 1 thìa giấm, 6 tép tỏi.
Cách thực hiện:
– Làm sạch cua như mẹo trên hướng dẫn. Thêm 2 thìa rượu vào nước sau đó tráng qua cua để khử mùi.
– Rửa sạch cua, để ráo và bày ra đĩa, nhớ là để ngửa bụng lên. Gừng cắt lát hoặc thái sợi rắc đều lên trên bụng cua.
– Đặt đĩa cua vào xửng hấp, đun lửa to khoảng 5 phút. Sau đó, chuyển lửa nhỏ, đun chừng 15 phút nữa.
– Lấy một bát nhỏ, cho nước tương, dầu hào, đường, giấm, tỏi băm vào trộn đều.
– Gắp cua nóng ra thưởng thức và dùng kèm với bát nước chấm vừa thực hiện.