Giống với nhiều loài động vật lớn khác, loài này đã biến mất cách đây 45.000 năm chưa rõ nguyên nhân, sau khi Homo sapiens đến châu Úc.
Một nghiên cứu mới, phân tích vỏ trứng còn lại từ một bữa tiệc thời cổ đại, cho thấy con người là nguyên nhân trực tiếp cho sự tuyệt chủng của loài chim này.
Con người đến Úc khoảng 55.000 năm trước; 45.000 năm trước, loài chim Genyornis đã tuyệt chủng cùng với hàng chục loài khổng lồ khác, bao gồm cả sư tử có túi và chuột túi khổng lồ. Nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng liên kết sự tuyệt chủng của các loài này với sự xuất hiện của con người. Các cộng đồng ở Bắc Mỹ, chẳng hạn, đã để lại bằng chứng rõ ràng về việc săn bắt và mổ thịt các loài động vật lớn, như xương có vết cắt, hoặc các vết giáo đâm vào hài cốt voi ma mút. Nhưng chưa tìm thấy các bằng chứng tương tự ở Úc để kết luận rằng sự tuyệt chủng của hàng loạt các động vật lớn ở châu lục này 45.000 năm trước là do con người.
Một bằng chứng mang tính bước ngoặt đã xuất hiện vào năm 2016, khi một nhóm nghiên cứu phát hiện các vỏ trứng bị đốt cháy tại các địa điểm gần bờ biển phía nam và phía tây của Úc có thể là vỏ trứng chim sấm (Genyornis newtoni). Họ cho rằng đây chính là bằng chứng của việc ăn trứng chim trên quy mô đủ lớn để đẩy loài chim sấm đến bờ vực tuyệt chủng. “Rất nhiều vỏ trứng đã bị đốt cháy, điều này ngụ ý con người đã tiêu thụ trứng, và là bằng chứng rõ ràng đầu tiên về quá trình săn mồi ở Úc,” nhà khoa học địa chất Gifford Miller tại Đại học Colorado, đồng tác giả bài báo về vỏ trứng năm 2016, cho biết.
Nhưng các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng những mảnh vỏ trứng này quá mỏng, và kích thước trứng ban đầu quá nhỏ (ước tính kích thước trứng trước khi vỡ chỉ bằng với trứng đà điểu emu ngày nay), do đó không thể thuộc về một loài lớn như chim sấm, mà thuộc về Megapodius, một nhóm chim nhỏ hơn có quan hệ họ hàng xa với gà và gà tây. Để chứng minh đây là chứng chim sấm, nhóm Miller tìm cách trích xuất DNA cổ đại. Nhưng “vỏ trứng quá cũ và khí hậu quá nóng”, do đó không thể trích xuất được, người phụ trách trích xuất DNA trong nhóm Miller, cho biết. Thay vào đó, họ đã chuyển sang phân tích protein trong vỏ trứng.
Vỏ trứng hình thành nhanh chóng – trong vòng 24 giờ bên trong ống dẫn trứng của chim – và trong quá trình đó “bẫy” các protein vào bên trong các tinh thể canxi và khoáng chất của vỏ. Những protein này không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ môi trường, do đó nhóm nghiên cứu có thể phục hồi tàn dư protein kẹt trong vỏ trứng để xác định xem đây là protein của loài chim nào.
Trình tự protein thu được khác hoàn toàn với trình tự protein trong trứng của nhóm Megapodius hiện đại, thậm chí khác hẳn với nhóm tất cả các loài chim sống trên cạn. Do đó chim sấm, họ hàng xa với vịt, là khả năng duy nhất, theo nhóm Miller báo cáo trên Proceedings of the National Academy of Sciences.
Nhưng vẫn còn một bí ẩn: Tại sao một con chim lớn như vậy lại đẻ những quả trứng tương đối nhỏ, có vỏ mỏng? Nếu nhóm Miller đúng, đây là những quả trứng nhỏ nhất được biết đến ở một con loài có khối lượng lớn như vậy. Sẽ cần một bộ hài cốt chim sấm để hiểu rõ hơn về bí ẩn này.
Vỏ trứng chim sấm bị đốt cháy cho thấy những người đầu tiên đến Úc đã lấy trộm và ăn trứng, thay vì trực tiếp ăn thịt những con chim lớn. Và “cách hiệu quả nhất để gây ra sự tuyệt chủng là bắt những con non,” Miller nói. Các loài động vật lớn sinh sản rất chậm, thời kỳ thai nghén dài và số lượng con mỗi lần sinh rất ít. Nếu con người chỉ giết một cá thể trong vài tháng, cùng với việc giết con non, thì số cá thể mất đi sẽ lớn hơn hẳn số cá thể sinh ra. Sau vài ngàn năm như vậy, một loài có thể hoàn toàn biến mất.