Tháng Một 8, 2025

Cách ăn gia vị, nước chấm Việt ‘như người Việt’: Kinh nghiệm của 1 du khách nước ngoài

Một bàn ăn ở Việt Nam mà thiếu đi các loại “đồ ăn kèm” thì bàn ăn đó vẫn chưa hoàn chỉnh – đây là nhận định của cây viết Piumi Rajapaksha được đăng tải trên chuyên trang du lịch The Culture Trip.

Sau đây là nội dung lược dịch bài viết hướng dẫn về các loại gia vị của Việt Nam.

Các loại gia vị và đồ ăn kèm của Việt Nam được chia thành 4 loại: nước chấm/nước xốt, đồ chua, gia vị/hương liệu và trang trí.

Từ nước mắm đến rổ rau xanh mát “tô điểm” cho mỗi bàn ăn, các loại gia vị và đồ ăn kèm này không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn là một trong những yếu tố mang tính quyết định trong trải nghiệm ẩm thực Việt.

1. Nước chấm và nước xốt

Nước mắm là thứ không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào, Campuchia.

Tương tự như dầu ô liu trong văn hóa Ý và nước tương đối với Trung Quốc và Nhật Bản, nước mắm được sử dụng trong nấu ăn hàng ngày ở Việt Nam, thường thay thế cho muối. Nước mắm được nêm vào các món xào, món hầm, tạo màu cho rau củ trong các món kho…

Bạn sẽ thường thấy một bát nước mắm nhỏ trên bàn ăn ở Việt Nam. Bạn có thể thêm nó vào món ăn như một loại gia vị, hoặc làm nước chấm. Đôi khi nước mắm được thêm vào một số gia vị khác như chanh, ớt, tỏi hoặc đường…

Minh họa: Kevin Whipple / | © Culture Trip

Nước chấm (loại thường thấy) là nước mắm được pha loãng với nước lọc, nước cốt chanh, đường, tỏi và ớt xắt nhỏ. Nước chấm được dùng kèm với nhiều món ăn, có thể dùng để chấm (bánh cuốn, bún chả…) hoặc trộn (bún trộn).

Khi nấu ăn, đặc biệt là các món xào, người Việt thường sử dụng dầu hào – loại nước sốt sệt màu cánh gián có vị mặn ngọt được làm từ con hàu và các loại nguyên liệu khác như đường và bột bắp. Dầu hào có thể làm dịu vị đắng của các loại rau xanh rất hiệu quả, và một món ăn phổ biến của Việt Nam sử dụng dầu hào là bò lúc lắc.

Mắm tôm là một trong những loại thực phẩm được xếp vào danh sách những món “nặng mùi” nhất thế giới. Có nhiều ý kiến trái chiều về mắm tôm, nhưng ngoài việc là một loại nước chấm, nó còn được sử dụng như một loại gia vị quan trọng trong nhiều món ăn như bún riêu.

Ngoài những loại nước chấm và nước xốt kể trên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều cái tên khác như mắm nêm, nước xốt từ lạc dùng kèm các món như nem nướng hay gỏi cuốn.

2. Đồ chua

Đồ chua ăn kèm là các loại rau củ quả ngâm chua và được ăn với tần suất gần như hàng ngày. Rất nhiều món ăn trong các nhà hàng ở Việt Nam được phục vụ kèm với một đĩa dưa chuột, cà rốt, củ cải và bắp cải ngâm chua ngon tuyệt. Đôi khi chúng ở trong một chiếc lọ để bạn tự phục vụ.

Nhiều món ăn của Việt Nam có vị mặn và ngọt, nên vị chua chua, ngọt ngọt của dưa muối rất hợp, đặc biệt là khi chúng được ăn kèm với các loại thịt nướng và hải sản.

Minh họa: Kevin Whipple / | © Culture Trip

3. Gia vị/hương liệu

Các loại gia vị và hương liệu thường không được đưa lên bàn ăn, mà chúng được sử dụng trong quá trình chế biến món ăn.

Chẳng hạn, sa tế thường được nêm vào các món xào. Sả thường được sử dụng nhiều nhất để ướp thịt, tạo thêm hương vị cho món ăn. Sự kết hợp hương vị tạo nên mùi vị đậm đà, khiến món ăn rất “đưa cơm”.

4. Trang trí

Nhóm trang trí bao gồm rất nhiều thứ: từ rau thơm, hành hẹ cho đến ớt và hành phi. Chúng được sử dụng trong nhiều món ăn – từ đĩa cơm rang, canh, cho đến món thịt nướng hay hải sản – như một bước hoàn thiện sau quá trình tạo ra món ăn.

Bạn sẽ thường thấy ớt xắt nhỏ được đặt trong một chiếc đĩa nhỏ, hoặc thêm vào bát nước mắm để tăng thêm hương vị. Rau thơm được đựng trong một chiếc rổ nhỏ để tăng thêm màu sắc, mùi vị và cả sự tươi mới cho món ăn.

Minh họa: Kevin Whipple / | © Culture Trip

Rổ rau thơm thường bao gồm các loại rau gia vị truyền thống như húng quế và rau mùi, hành lá, lá xà lách và giá đỗ. Bạn còn có thể gặp những nhà hàng cho thêm dưa chuột thái lát, khế xanh và cà rốt bào sợi trong rổ rau sống. Những loại rau này được ăn kèm với nhiều món ăn như nem rán, nem nướng và thậm chí cả các món bún.

Hãy thêm một nắm rau sống vào bát của bạn, và hương vị từ những lá rau thơm sẽ ngấm vào nước dùng còn nóng hổi – trong khi cọng rau sẽ thêm cảm giác giòn nhẹ để cân bằng với độ dai của bún và thịt.

Nếu bạn ăn bất kỳ món bún, mì, phở nào của Việt Nam – dù là mì Quảng hay Bún bò Huế – thì một trong những động tác đầu tiên bạn sẽ làm là vắt chanh trước khi ăn. Một sự thật thú vị nữa, đó là những miếng chanh còn có thể được sử dụng để làm sạch đũa.

The Culture Trip là chuyên trang tư vấn, giới thiệu thông tin, kiến thức và kinh nghiệm du lịch – văn hóa – ẩm thực uy tín dành cho du khách và những người yêu thích du lịch trên toàn thế giới./.

Theo The Culture Trip

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version