Tháng Một 8, 2025

“Biến” dầu nhớt thải thành chất đốt

Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng của ông Huỳnh Tấn Kiệt, Hội Đúc và Luyện kim TP HCM.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt giới thiệu thiết bị lò đốt áp lực dùng dầu nhớt thải tại Techmart Y tế TP HCM 

Chia sẻ với phóng viên Tri thức & Cuộc sống, ông Kiệt cho biết, trước thực trạng hàng năm một lượng rất lớn dầu nhớt thải (chất thải nguy hại) cần xử lý. Mặt khác, báo chí thông tin cơ quan chức năng liên tục bắt quả tang nhiều cơ sở tái chế dầu nhớt “lậu” thu mua về xử lý, đóng giả bao bì nhãn mác tuồn ra thị trường. Lượng dầu nhớt tái chế kém chất lượng sẽ phá hỏng động cơ xe, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trước trăn trở đó, với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành cơ khí, ông Kiệt nghiên cứu tìm cách “biến” dầu nhớt thải làm chất đốt. Tuy nhiên, nếu đốt theo cách truyền thống thì sẽ thải ra nhiều khói và khí độc, cần phải thay đổi cách hòa trộn chất đốt và hòa khí trong thiết bị đốt mà nguyên tắc gọi là hòa khí hoàn toàn thì sẽ cho sự đốt cháy hoàn toàn không phát sinh khói, trong khi đó các thiết bị đốt lò ngoại nhập có trên thị trường không xử lý triệt để ô nhiễm do chất thải và khí thải.

Có thể dùng dầu nhớt thải làm nhiên liệu cho các lò đốt công nghiệp, thủ công nghiệp 

Sau nhiều năm nghiên cứu, thiết bị đã được cải tiến bằng cách phân tán dầu 2 cấp, với nguyên lý cung cấp dầu vào trung tâm ống dẫn có gió thổi bao quanh dưới áp lực cao. Dầu được gió cuốn theo và phân tán nhuyễn theo cấp số nhân sau đó đốt cháy hoàn toàn, giúp tận dụng nguồn dầu thải/nhớt thải, tăng độ an toàn, dễ bảo dưỡng nhờ tách rời bộ phận cấp khí cho thiết bị đốt, lại đơn giản – tiết kiệm – hiệu quả và thân thiện môi trường.

Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, một trong những ưu điểm nổi trội của thiết bị lò đốt này là sử dụng nhớt thải ô tô, xe máy làm nhiên liệu với hiệu suất cao. Chỉ cần 1 lít nhớt thải để đốt lò nung, sấy trong vòng 1 giờ với mức nhiệt có thể lên tới 1.000ºC. Thiết bị có thể được ứng dụng trong ngành nấu nhôm, nhựa phế liệu, đốt chất thải lỏng nguy hại, sấy, tiệt trùng nông sản sau thu hoạch, chưng cất các loại tinh dầu…

Quá trình thử nghiệm cho thấy, thiết bị không chỉ sử dụng nhớt thải, mà còn đốt được cả dầu ăn đã qua sử dụng. Trong nấu nhôm, đồng hoặc gang, thiết bị có thể thay thế các loại lò đốt bằng dầu diesel hoặc củi, vốn phát sinh nhiều khói, bụi, không đạt các tiêu chuẩn môi trường về khí thải, chất thải.

Hiện thiết bị dùng nhiên liệu dầu nhớt thải làm chất đốt đã được triển khai tại HTX Công nông nghiệp Thái Dương (Bình Chánh), lò tái chế lon bia nấu nhôm, lò nấu da heo (Củ Chi), sấy bắp ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nấu đường phèn (An Giang), sấy gỗ, nông sản thực phẩm, làm đậu hũ (quận Tân Phú, TP HCM), ninh nấu cao, nấu mỡ heo (phường 1, quận 6, TP HCM).

Thiết bị này đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận giải pháp hữu ích. Viện An toàn vệ sinh lao động TP HCM đã kiểm nghiệm khí thải tại ống thoát khí, sau hệ thống xử lý của thiết bị đốt lò áp lực sử dụng nhớt thải đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN 19:2009/BTNMT.

>>> Mời độc giả xem thêm video Giải mã bí ẩn thiết bị tiết kiệm điện:

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version