Tháng Mười Hai 7, 2024
bi mat trong cach thuong thuc mot trong nhung loai tra dat nhat the gioi gia gan 13 ty dong kg 63a2a404d2164

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới giá gần 13 tỷ đồng/kg

Năm 2021, tập đoàn Sotheby’s tại Hong Kong, Trung Quốc có phiên đấu giá trà Phổ Nhĩ truyền thống. Trong phiên đấu giá ấy có một bánh trà 330g được bán với giá hơn 72.000 USD. Giá trung bình của loại trà này trên thị trường có thể lên tới 12,7 tỷ đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng và tuổi trà. Có gì đặc biệt trong một trong thập đại danh trà của Trung Quốc?

Ủ càng lâu giá càng đắt, vị càng ngon

Những loại trà ngon thường đi kèm theo nơi xuất xứ để ghi lại dấu ấn, trà Phổ Nhĩ cũng không ngoại lệ. Khởi nguồn từ một thị trấn nhỏ ở Vân Nam, Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước, Phổ Nhĩ là nơi trồng trà thượng hạng.

Trà Phổ Nhĩ là một trong thập đại danh trà của Trung Quốc, cũng là một trong những loại trà ngon và hiếm đắt giá nhất hành tinh. Vậy cách uống loại trà này có gì khác biệt với trà thông thường? Nếu lỡ là một người yêu trà, muốn thưởng thức loại trà ngon như Phổ Nhĩ thì hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu nhé!

Có 3 lý do cơ bản để loại trà này trở nên quý hiếm. Thứ nhất là nguồn gốc xuất xứ. Thứ hai là cách sản xuất, ủ thủ công thì trà càng đắt. Thứ 3 là hương vị trà mang lại. Trà Phổ Nhĩ hội tụ cả 3 điều ấy.

Để làm nên được những bánh trà Phổ Nhĩ thơm và ngon như vậy, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng từ các gốc trà cổ thụ và đại thụ, thấp hơn nữa là thai địa trà. Nói một cách dễ hiểu hơn, cổ thụ là những cây trà hàng trăm năm đến hàng nghìn năm tuổi. Giống trà này có hai nhóm chính: một loại lá trà to, một thân chính và loại lá trà nhỏ, nhiều nhánh nhỏ mọc lên từ một gốc. Trà đại thụ tính bằng chục năm tuổi. Còn những cây trà mới trồng dưới 10 năm gọi là thai địa trà. 

Và rõ ràng điều ấy đã nói lên được giá trị của những bánh trà. Ngoài ra, thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng cũng nói lên chất lượng của lá trà. Chẳng hạn, cũng ở vùng Vân Nam, nhiều làng trà sở hữu các gốc trà cổ thụ nên giá trà đắt gấp nhiều lần nơi khác. Lá trà được thu hái 2 lần trong năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chế biến và đóng thành bánh cất trong kho. 

Các loại trà Phổ Nhĩ

Những bánh trà Phổ Nhĩ đẹp đẽ được bày bán trong các cửa hàng đều được làm từ trà thô, hay còn gọi là mao trà. Lá trà cổ thụ sau khi hái được sơ chế, sau đó ép thành bánh Phổ Nhĩ sống hoặc ủ lên men thành Phổ Nhĩ chín.

Trong các loại trà, trà Phổ Nhĩ có hình thành phẩm đa dạng và kỳ lạ nhất. Loại trà này có thể được ép thành bất kỳ hình thù nào theo ý muốn của nhà sản xuất. Bánh trà phổ biến nhất là loại tròn, dẹt khoảng 375g. Các hình dạng khác như hình viên gạch, hình tổ yến hoặc để rời.

Phổ Nhĩ sống

Lá trà đẹp và nguyên vẹn được phơi dưới nắng và mang đi ép bánh. Mao trà được đựng trong túi vải đặt vào máy ép chặt thành một bánh trà. Ép xong được để lên kệ để khô. Từ vài giờ đến vài ngày và tùy đầu vào của lá trà theo từng vùng, bánh trà sẽ khô. Sau đó, chúng được mang đi bọc giấy. 

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới, có giá gần 13 tỷ đồng/kg - Ảnh 2.

Bọc giấy như vậy nhưng bánh trà Phổ Nhĩ sống vẫn được tiếp xúc với không khí và chuyển hóa dần hương vị theo thời gian. Việc lên men kéo dài giúp Phổ Nhĩ sống có hương thơm độc đáo.

Phổ Nhĩ chín

Phổ Nhĩ chín thì cầu kỳ hơn. Mao trà được phun nước, phủ kín để trong quá trình ủ tạo được nhiệt. Điều này giúp kích thích sự phát triển của vi sinh vật có lợi. Phổ Nhĩ sẽ chuyển sang chế độ ‘chín’ sau khoảng 45 đến 60 ngày. Bí quyết ủ trà này phụ thuộc vào mỗi nhà sản xuất khác nhau. Có khi người ta ngừng ủ để tạo ra trà chín một phần hoặc nhiều phần. Tuy nhiên, xét về mặt để lâu năm thì khả năng chuyển hóa của Phổ Nhĩ chín không bằng Phổ Nhĩ sống để lâu năm. Đồng thời, trà Phổ Nhĩ chín sẽ có mùi nồng một chút do ammonia xuất hiện trong quá trình lên men. Hiểu được điều này, khi pha trà sẽ dễ tìm được hương vị gốc của trà hơn.

Trong những loại trà Phổ Nhĩ chín, có loại gọi là lão trà đầu, thường được cuộn thành viên. Khi chất đống và ủ ướt thì chúng được phun nước và đảo đều vài ngày một lần. Cho nên phần trà trên sẽ khô và dưới sẽ ẩm hơn. Khi cuộn trà lại thành viên khiến hơi nước được giữ lại bên trong, điều này giúp chúng chuyển hóa tốt hơn nên vị ngọt hơn. Đây là lý do khiến lão trà đầu đắt đỏ hơn loại cùng lô.

Phổ Nhĩ quýt

Trà Phổ Nhĩ quýt có lẽ là loại trà quen mặt nhất vì chúng khá phổ biến do rẻ lại dễ uống. Quả quýt được tách múi một cách khéo léo để vẫn giữ được vỏ quả nguyên vẹn, lấp đầy Phổ Nhĩ chín dạng rời vào trong và phơi khô. Khi uống loại trà Phổ Nhĩ quýt này sẽ vừa cảm nhận được độ đậm của Phổ Nhĩ chín vừa dậy mùi tinh dầu quýt thơm mát. Trà này còn được gọi là trà tiểu thanh cam, là sự kết hợp tinh tế giữa hương thơm của quýt và hương trà thanh dịu.

Giá trị của trà Phổ Nhĩ phụ thuộc vào thời gian trà được ủ. 3 giai đoạn chủ yếu tạo nên giá trị của trà là từ 5-10 năm, 10-20 năm và 50 năm trở lên. Nói vậy mới thấy những bánh trà có niên đại 50 năm cực kỳ hiếm và giá đắt đỏ “trên trời”.

Cách pha và thưởng trà Phổ Nhĩ

Cắt bánh trà và tìm đúng loại ấm

Dù mới bắt đầu hay đã sa chân vào Trà đạo lâu năm, việc tìm được dụng cụ pha trà hợp với trà Phổ Nhĩ là điều vô cùng quan trọng. Những ấm thủy tinh hay bình inox nghe có vẻ hiện đại và tiện dụng, nhưng dùng chúng để đun nước pha trà, chẳng khác nào ‘ném tiền qua cửa sổ’. 

Các loại ấm đất hay ấm tử sa là lựa chọn tối ưu giúp bạn có được hương vị thơm ngon từ loại trà quý.

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới, có giá gần 13 tỷ đồng/kg - Ảnh 4.

Dùng ấm đất sẽ giúp lược được vị đắng đầu và gạt đi được mùi nồng ở Phổ Nhĩ chín còn mới, nhờ đó mới tìm được vị ngậy thơm của trà. 

Trà Phổ Nhĩ khi mua thường được đóng bánh to nên cần dụng cụ chuyên dụng là cây xiên trà để tách lượng trà cần dùng cho mỗi lần pha. Trước đó, nên tráng ấm với nước nóng để tạo nhiệt cho trà.

Lấy trà ra khỏi bánh nhưng hạn chế tiếp xúc với tay vì điều này sẽ làm hương trà bị thay đổi. 

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới, có giá gần 13 tỷ đồng/kg - Ảnh 5.

Đánh thức trà

Trà cho vào ấm xong thì tráng với nước sôi ở 80 độ C. Tráng đều tất cả búp trà để trà ngậm nước, lắc nhẹ ấm rồi rót ra ngay, để lâu trà sẽ bị đắng.

Ủ trà

Bước ủ trà được xem là một trong những công đoạn quyết định vị trà được đánh thức đến mức nào. 

Tùy theo khẩu vị mỗi người thưởng trà mà sử dụng tỷ lệ nước và trà khác nhau. Bánh trà vị dịu có thể pha 7g trà với 100ml nước, bánh trà vị đậm lâu năm có thể dùng 3g trà cho 100ml nước.

Trà Phổ Nhĩ sống và chín sẽ được canh thời gian hãm khác nhau. Chẳng hạn, trà Phổ Nhĩ sống thì nước đầu hãm lâu hơn, nước hai có thể ngắn hơn nước đầu, nước ba dài hơn hoặc bằng nước đầu. Càng nước sau thì lại thêm thời gian vào. Bởi vậy, pha trà Phổ Nhĩ đến cả chục nước là chuyện bình thường.

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới, có giá gần 13 tỷ đồng/kg - Ảnh 6.

Thông thường, để trà đồng đều hương vị, trà được rót ra chén tống, tiếp đó là rót ra chén nhỏ (chén quân) để thưởng thức.

Bí mật trong cách thưởng thức một trong những loại trà đắt nhất thế giới, có giá gần 13 tỷ đồng/kg - Ảnh 7.

Khi pha trà Phổ Nhĩ, màu nước trà đỏ nâu sánh rất đẹp và sang. Và đương nhiên là không dùng với đá viên. Trà Phổ Nhĩ có hương vị chát dịu lúc đầu với mùi thơm cực kỳ đặc trưng như mùi trái cây chín mọng pha lẫn hương gỗ mục. Trà chát đậm giống trà thông thường thì không phải trà chuẩn. Vị ngọt hậu đọng lại càng uống càng thích.

Uống trà Phổ Nhĩ có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Trà Phổ Nhĩ chín thường được dùng để giảm cân, chúng giàu nguyên tố vi lượng và các axit amin tốt cho cơ thể. Trà Phổ Nhĩ sống giàu polyphenol nên thanh lọc cơ thể rất tốt.

Những điều cần lưu ý khi mua và bảo quản trà Phổ Nhĩ

– Từ quy trình chế biến đến ngoại hình thành phẩm và những câu chuyện về cội nguồn gốc trà mà trà Phổ Nhĩ luôn có nhiều mức giá khác nhau. Bởi vậy, trà lâu năm đắt hơn trà mới thu hái. Trà Phổ Nhĩ sống đắt hơn trà Phổ Nhĩ chín. Tại thị trường Việt Nam, loại trà này vẫn còn nhiều thông tin mới mẻ nên xuất hiện nhiều loại trà giả giá rẻ vài trăm nghìn một cân là trà giả. 

– Bạn có thể mua loại trà Phổ Nhĩ Việt có giá cả phải chăng với số đông để có thể thưởng thức hương vị thượng hạng của chúng.

– Nếu cất trà ở nơi quá ấm hoặc nóng thì trà sẽ xuất hiện mốc trắng. Nếu thấy bánh trà bị mốc trắng thì bỏ phần mốc đi. Phơi nắng sớm trong khoảng 2 tiếng là được. Còn nếu mốc chuyển xanh hoặc cam thì trà đã hỏng không dùng được nữa.

– Bánh trà nên cất trữ nguyên bản, không nên tách nhỏ bởi sẽ bị thay đổi hương vị.

– Những nhúm trà được tách ra để uống dần có thể cất trong hũ đất không tráng men. 

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *