Tháng Mười Hai 7, 2024
banh it thom mui ky uc 6395e5759c322

Bánh ít thơm mùi ký ức

Bánh ít thơm mùi ký ức - Ảnh 1.

Bánh ít

Hồi ấy không phải năm nào nhà tôi cũng có điều kiện để gói bánh tét. Nhưng bằng cách nào đó mà trong những năm thắt ngặt nhất, má tôi vẫn chắt chiu làm ra được một loại bánh thay thế, cũng nếp cũng đậu được bọc trong lá chuối nhưng ít tốn hao hơn nhiều.

Và đó là cái bánh ít thơm mùi ký ức. Bánh nhỏ nhiều so với bánh tét, cái tên khiêm tốn và thật đặc biệt cũng thường dành cho những gia đình ít có điều kiện hơn gói nấu để dâng cúng ông bà.

Tôi nhớ những năm tháng ấy nào có bột nếp khô sẵn được đóng gói bán ở hầu hết các tiệm tạp hóa như bây giờ. Để có bột nếp làm vỏ bánh, trước ngày gói má tôi phải lui cui ngâm nếp, ngâm đậu, xay bột, nạo dừa, rang đậu phộng, xẻ lá chuối… chuẩn bị.

Từ sáng sớm má đã cột cái bồng bằng vải lược vào miệng cối và bắt đầu xay bột. Cánh tay má quay đều, chậm rãi, khoan nhặt để bột sánh, chín đều. Từng dòng bột trắng mịn chảy ra, thơm mùi nếp mới.

Có khi mất cả buổi sáng má mới xay bột xong. Túi bột được má cột chặt và dằn giữa cối đá để bột ráo nước. Trong lúc chờ bột, má vớt đậu đã ngâm đem hấp chín. Lột nạo trái dừa khô lấy cơm dừa xào nhân. Lúc nào nồi bánh ít của má cũng có hai loại: mình ngọt nhân đậu và mình trắng nhân dừa.

Tôi thích nhất là lúc má thắng đường để xào nhân dừa vì có thể ăn vụn được ngay lò. Công đoạn thật đơn giản, chỉ cần hòa một phần đường và một phần nước bắc lên bếp. Chờ đến khi nước đường chuyển sang màu vàng nâu thì cho dừa nạo vào xào đến khi đường khô và dừa dẻo thì tắt lửa là vừa.

Bánh ít thơm mùi ký ức - Ảnh 2.

Chiếc cối xay bột bánh ít nhà tôi

Lúc này má tôi mới hòa vào chảo dừa xào một ít bột năng và đậu phộng rang. Đậu phộng cho thơm và bột năng để kết dính.

Xong phần nhân ngọt thì má tiếp tục với phần nhân đậu. Đậu xanh đem hấp chín xong má tôi thường bắc chảo lên xào với một ít dầu dừa. Má biểu xào bằng dầu dừa nhân bánh sẽ thơm hơn. Và đậu được xào khô thì sẽ bảo quản bánh được lâu hơn nữa.

Hai phần nhân sẵn sàng thì má bắt tay vào nhào bột làm vỏ bánh. Để tạo thêm màu sắc bắt mắt má thường nấu lá cẩm, đâm nhuyễn lá dứa vắt lấy nước pha vào bột để da bánh được đẹp hơn.

Đổ bột vào một cái thau rộng, má thêm nước sôi cùng một muỗng muối để da bánh đậm đà rồi nhào cho đều tay. Thật kỳ công khi má còn chia bột thành sáu phần tương ứng với ba màu da bánh và hai loại nhân riêng biệt.

Chừng cảm nhận được độ dẻo của bột, ấn tay vào mà không dính, má đậy bột lại để ủ cho bột nghỉ. Tôi luôn thấy cảm phục má khi cả một chuỗi việc phải làm nhưng má cứ tuần tự từng công đoạn một cách thật khéo léo, không lúc nào ngơi tay.

Sau phần sơ chế, má bày hết nguyên phụ liệu lên đi văng. Lúc này, vẫn thường có vài cô bác hàng xóm đến phụ má gói.

Lá chuối đã được má rọc và mang phơi héo từ trước. Má và các bác các cô, người cắt lá chuối thành từng miếng hình chữ nhật, lau khô và quét dầu ăn lên. Người vo viên nhân. Người ngắt bột cho vào lòng tay và ép dẹp xuống đặt nhân vào giữa và vo tròn lại như chè trôi nước.

Viên bánh ít trần thành phẩm sẽ được áo qua dầu để không dính vào lá gói trước khi chuyền cho người khéo tay nhất, thường là má tôi, đặt vào miếng lá chuối đã được gấp như hình phễu. Cuối cùng chỉ cần gấp mép đáy cho kín và bọc thêm một lớp lá nữa và xếp lại là hoàn thành.

Trong lúc gói bánh, má tôi và các cô các bác bao giờ cũng trò chuyện rôm rả với nhau. Sự chuẩn bị cho năm nay và chuyện học hành, làm ăn của con cái. Gói giúp nhà tôi xong mọi người cũng tới nhà khác gói vần công.

Bánh ít thơm mùi ký ức - Ảnh 3.

Nấu bánh ít

Chiều tối, khi trăm bánh đã hoàn tất, má bắc nồi nước lên ba cục gạch to. Chiếc nồi được phủ một lớp sình non để dễ lau chùi lọ nghẹ. Dưới đáy nồi má đặt một chiếc ghế nhấc nồi đan tre cách thủy rồi xếp bánh lên.

Lửa được nhen cháy bập bùng, mấy chị em tôi cũng lăng xăng phụ má canh chụm lửa nồi bánh ít. Độ chừng hơn một tiếng là bánh đã chín, được má xếp ra chiếc xịa nan tre. Mùi lá chuối thật thơm. Khói bay cay sè mắt đêm cuối cùng của năm cũ.

Cúng ông bà xong, chúng tôi được má phát cho mỗi đứa một cặp bánh đủ hai vị. Cách phân biệt cũng thật dễ dàng. Chỉ cần bóp nhẹ vào bánh cảm nhận hơi cứng tay là nhân đậu xanh, còn mềm hơn là nhân dừa đậu phộng.

Bóc bánh ra cắn một miếng sẽ cảm nhận vỏ bánh mềm dẻo ngòn ngọt của đường, mùi nếp thơm quẩn quanh, đậu xanh bùi bùi, mùi dừa beo béo. Tất cả tổng hòa thành một hương vị thật đặc sắc.

Để rồi mỗi lần năm hết Tết đến, lòng tôi lại lao xao nhớ chiếc bánh ít thơm tho mùi ký ức một thời. Càng nhớ, càng nghĩ lại càng thương má tôi, cả đời lo toan vun vén. Chái bếp nhỏ lúc nào cũng ấm lên ngọn lửa cháy sáng, bất chấp nhọc nhằn.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *