Mỗi loài động vật đều có một tập tính, lối sống riêng. Trong đó, gấu trúc thường được biết đến là một trong những loài động vật quý hiếm nổi tiếng với thói “lười biếng”. Tuy nhiên, ẩn sâu trong loài vật này có rất nhiều sự thật thú vị khiến chúng ta phải kinh ngạc.
1. Gấu trúc thích sự đơn độc
Khác với lầm tưởng rằng gấu trúc thích sống thành đàn, loài vật này lại ưa sự đơn độc hơn cả và hầu như sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với đồng loại. Hàng năm, gấu trúc đực và gấu trúc cái chỉ gặp nhau vào mùa giao phối trong khoảng 2 – 3 ngày của mùa xuân (từ tháng 3 – tháng 5 hàng năm). Sau đó, con đực sẽ tạm biệt con cái và trở về tận hưởng cuộc sống đơn độc một mình cho đến mùa giao phối vào năm sau.
2. Gấu trúc ăn mọi lúc
Thức ăn chính hàng ngày của gấu trúc chỉ có tre, trúc đôi khi là các loại hoa quả. Vì có chế độ ăn toàn chất xơ như vậy nên gấu trúc phải ăn rất nhiều (hơn 12 tiếng mỗi ngày) mới có đủ dinh dưỡng để nuôi cơ thể béo mầm của chúng. Ngoài khoảng thời gian ăn, chúng sẽ dành thời gian còn lại cho việc ngủ nghỉ để lấy sức dậy ăn tiếp.
3. Gấu trúc có “ngón cái giả”
Trên thực tế, bàn tay của gấu trúc có 5 ngón nhưng không có ngón cái mà chỉ có một ngón phụ có chức năng giống như ngón tay cái. “Ngón cái giả” ấy thực ra là xương cổ tay đã phát triển quá lớn đến mức chìa ra một bên bàn tay. Các cơ kiểm soát xương của gấu trúc đã được sắp xếp lại để giúp ngón giả đó có thể cử động và cầm nắm thân cây tre một cách dễ dàng hơn.
4. Lông gấu trúc cung cấp khả năng ngụy trang
Mọi người đều biết gấu trúc với bộ lông đen và trắng vô cùng đáng yêu. Tuy nhiên màu lông này không chỉ để cho đẹp mà còn có công dụng vô cũng hữu ích. Kiểu lông đặc biệt của gấu trúc cho phép chúng tránh khỏi nguy hiểm khi hòa hợp với cả phông nền sáng và tối, đặc biệt là khi ở trong những rừng tre.
5. Có tới hai loài gấu trúc
Các phân loài gấu trúc chủ yếu được tìm thấy ở khu vực Tứ Xuyên của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một loài gấu trúc hiếm khác chỉ sống ở dãy núi Tần Lĩnh thuộc vùng Thiểm Tây của Trung Quốc là loài gấu trúc đỏ.
Loài gấu trúc đỏ này nhỏ hơn một chút so với loài gấu trúc khổng lồ thông thường và bộ lông của chúng có màu nâu và trắng, thay vì đen và trắng. Cũng giống như gấu trúc thông thường, loài gấu đỏ này cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng và cần được bảo vệ khẩn cấp.
6. Gấu trúc thuộc bộ “ăn thịt”
Nghe thì có vẻ là khó tin nhưng dù 99% thứ loài vật này ăn là tre và trúc nhưng nó lại thuộc bộ “ăn thịt”. Trung bình mỗi ngày một con gấu trúc trưởng thành cần “ngốn” ít nhất 18 kg lá trúc.
Gấu trúc hoang dã đôi khi sẽ ăn cỏ, củ dại, thịt chim, động vật gặm nhấm, thậm chí là xác thối. Còn gấu trúc nuôi trong chuồng cũng có thể ăn mật ong, trứng, cá, cà rốt, khoai, lá cây bụi và các loại hoa quả như táo, cam hoặc chuối.
7. Gấu trúc sơ sinh chỉ nặng bằng chiếc bút chì
Do thời gian mang thai cực ngắn chỉ khoảng 135 ngày của gấu trúc, gấu trúc con được sinh ra chỉ nặng từ 80-120 gram. Đây cũng là loài động vật có vú có con non gần như bé nhất. Thông thường, kích thước của gấu trúc sơ sinh chỉ nhỏ bằng 1/1900 con mẹ trong khi tỷ lệ của hầu hết các động vật có vú đều gần 1/26.
Khi mới sinh ra, gấu trúc con chưa thể mở mắt và cần được mẹ chăm sóc đặc biệt trong những tháng đầu đời. Tuy có thời gian mang thai ngắn nhưng gấu trúc lại không thể sinh sản nhanh như các loài khác với quãng thời gian 2 năm/lần. Đây cũng là lý do khiến cá thể loài động vật này ngày càng bị mai một và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn: World Animal Protection