Bữa sáng của bạn sẽ ngon miệng và hấp dẫn hơn với những chiếc bánh mì dẹt chapati bơ được truyền cảm hứng từ ẩm thực Ấn Độ. Bánh chapati được yêu thích không chỉ vì chúng thơm ngon mà các nguyên liệu làm nên chúng cũng rất lành mạnh và bổ dưỡng.
Cho nên, bánh mì dẹt chapati bơ này không những giàu chất xơ mà còn chứa hàm lượng chất béo lành mạnh từ quả bơ, giúp bạn cung cấp năng lượng, hỗ trợ đẹp da và không lo béo.
Hướng dẫn cách làm bánh mì dẹt chapati bơ
Nguyên liệu cần thiết làm bánh mì dẹt chapati bơ
– 280g bột mì nguyên cám, 1/2 thìa cà phê muối, 1 quả bơ lớn, 1 thìa nước cốt chanh, 100ml nước ấm
– Nguyên liệu không bắt buộc gồm 1/2 thìa cà phê hạt thì là, 1/2 thìa cà phê hạt rau mùi, 1/2 thìa cà phê tiêu đen (đây là những nguyên liệu khiến bánh mì dẹt đậm mùi hơn, nếu bạn không thích có thể bỏ qua).
Quả bơ thực sự tuyệt vời. Đây là một trong số ít loại trái cây giàu protein và nguồn cung cấp chất béo omega-3 có nguồn gốc từ thực vật. Chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hoá, vitamin và chất xơ quý giá.
Nhờ có độ béo ngậy tự nhiên mà không ngấy, quả bơ chính là một chất thay thế cho bơ lạt và là chất kết dính cho bột nhào hoà quyện hơn. Chưa kể, thêm thịt quả bơ vào cũng giúp cho kết cấu bánh mì dẹt chapati mịn hơn.
Bánh mì dẹt chapati cổ điển của Ấn Độ thường được làm từ nước, bột mì và chút xíu muối. Bằng cách thử nghiệm các tỷ lệ khác nhau của nguyên liệu, công thức món bánh ăn sáng chapati bơ này sẽ thơm ngon hơn phiên bản gốc. Điều quan trọng cần nhấn mạnh thêm lần nữa là bánh này giàu chất xơ, thích hợp để ăn vào buổi sáng.
Cứ 100g thịt quả bơ chứa gấp đôi lượng chất xơ so với một lượng bột mì thông thường. Ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, đồng thời lượng ăn sẽ giảm lại. Đây là ưu điểm tuyệt vời của bánh mì dẹt chapati bơ đối với những người đang theo chế độ ăn kiêng.
Sau cùng, một vài loại gia vị đặc trưng ẩm thực Ấn Độ sẽ tạo nên hương thơm đặc biệt cho món bánh này. Nhưng nếu bạn thích vị bánh thuần hơn, có thể bỏ qua chúng.
Cách thực hiện bánh mì dẹt chapati bơ
Bước 1: Trong một bát tô, cho bột mì và muối vào. Sau đó, cho thêm hạt thì là, hạt rau mùi xay, tiêu đen đập dập (nên nghiền nhỏ để giúp kết cấu bánh mịn hơn). Trộn đều.
Bước 2: Bơ lột vỏ, lọc lấy thịt quả. Nghiền bơ với nước cốt chanh cho đến khi chúng trở thành hỗn hợp mịn. Thêm nước cốt chanh ở bước này là điều cần thiết để giữ cho bột bánh chapati không bị chuyển sang màu nâu bởi bơ sau khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hoá rất nhanh.
Bước 3: Kết hợp bơ nghiền vào hỗn hợp bột. Bắt đầu nhào các thành phần, sau đó đổ nước ấm từ từ vào. Trộn đều tất cả thành khối bột mịn, đàn hồi và hơi dính một chút. Trong quá trình nhồi bột, nếu thấy quá khô hãy cho thêm nước. Nếu chúng quá dính hãy phủ thêm bột mì lên. Vo bột thành khối tròn, bọc trong màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ trong khoảng 10 phút.
Bước 4: Chia bột thành các miếng nhỏ khoảng 50g. Để tạo hình bánh mì dẹt, bạn hãy lăn mỗi miếng bột nhỏ thành hình tròn, sau đó ấn dẹt. Rắc một ít bột mì lên mặt bàn và dùng cán lăn bột cán mỏng cho đến khi đạt độ dày khoảng 2mm. Đường kính tuỳ thuộc vào ý thích của bạn. Thông thường, bánh mì dẹt chapati bơ sẽ có đường kính khoảng 15cm. Làm tương tự cho đến khi hết bột. Hãy nhớ bọc các miếng bột chưa cán và bánh mì dẹt đã tạo hình trong màng bọc thực phẩm để tránh bị khô.
Bước 5: Đun nóng chảo, cho từng chiếc bánh mì dẹt lên và lật nó sau mỗi 15 giây, tổng cộng không quá 2 phút. Để làm cho bánh mì dẹt chapati bơ phồng hơn, hãy dùng thìa ấn xuống những chỗ dẹt từ các mép. Sau khoảng 30 giây làm chín, các bong bóng xuất hiện và bánh sẽ phồng hơn. Bạn có thể dùng chai xịt, xịt chút dầu vào bánh để giúp bánh ẩm hơn. Làm tương tự cho đến hết.