Chúng ta vẫn biết cam, quýt là những loại quả giàu vitamin C tốt cho cơ thể. Nhưng có lẽ, nhiều chị em vẫn chưa biết tại sao mùa đông chúng ta nên tăng cường uống nước ép cam quýt phải không?
Tại sao mùa đông nên uống nước ép quýt?
Ở các nhà vườn thời điểm bước vào mùa Đông dễ cảm nhận thấy phảng phất chút se lạnh gió bấc. Những cây quýt chín đỏ rực như những đốm lửa thắp sáng cả khu vườn. Các loại quýt vào chính vụ. Những loại quýt vàng óng, căng mọng giúp cung cấp lượng ẩm lớn cho da. Không chỉ vậy, quýt còn chứa lượng lớn vitamin C giúp sáng da và tăng sức đề kháng. Càng mùa đông, bạn càng cần bổ sung dinh dưỡng cho da giúp da duy trì được độ sáng và đàn hồi tốt, chăm sóc tốt da còn bật tông trắng sáng.
Thời tiết mùa Đông lạnh, độ ẩm thấp, là môi trường nhiều virus hoạt động mạnh, các bệnh về hô hấp cũng xảy nhiều hơn. Tận dụng triệt để loại trái cây chính vụ rất giàu Vitamin C trong quýt vừa giúp da trắng sáng lại giúp đề kháng khỏe mạnh, chống lại những tác nhân xấu của các loại virus độc hại.
Mùa lạnh nên nhiều người trong chúng ta có xu hướng ăn nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ. Trong khi đó, quýt chứa nhiều caroten và axit citric giúp giảm hàm lượng cholesterol có hại cho tim mạch.
Quýt là loại quả có múi và chúng không làm bạn thất vọng với lượng vitamin C, vitamin B6, canxi và sắt cùng nhiều dưỡng chất khác. Nước quýt ép giúp bạn bù nước rất tốt. Mỗi ly nước quýt sẽ cung cấp cho bạn khoảng 130 calo, trong đó có đến 8g đường.
Nếu như thêm chút mật ong vào nước ép quýt còn giúp kháng viêm, chống lại quá trình oxy hoá, kháng nấm giúp chị em chống lại cảm cúm hiệu quả.
Mùa đông các loại quýt chín rộ, đa dạng chủng loại. Gần Tết, quýt bán đầy chợ, vừa rẻ lại ngon, chị em hoàn toàn có thể tìm mua để làm nước ép bồi bổ cơ thể.
Trên thị trường có những loại quýt nào?
1. Quýt da xanh (quýt đường)
Đặc điểm nhận biết loại quýt này là vỏ mỏng, láng xanh, lúc non vỏ màu xanh đậm, khi chín chuyển dần sang vàng. Quýt đường mọng nước, vị thanh, mùi thơm khá đặc trưng và hậu vị hơi chua.
Quýt đường cho quả quanh năm và nhiều nhất vào dịp khoảng Tết Nguyên đán và đầu xuân. Giống quýt này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây như Lai Vung (Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang), Long Trị (Hậu Giang).
2. Quýt tiều
Quýt tiều, còn được gọi là quýt hồng. Quả có hai đầu dẹt, hơi lõm và vỏ màu hồng cam có xen lẫn sắc xanh khi chín. Vỏ mỏng và ít hạt, mọng nước và ngọt. Quýt tiều được trồng ở các tỉnh miền Tây và chỉ có một vụ vào tháng 11, tháng 12 âm lịch cận Tết Nguyên đán mà thôi.
3. Quýt chum (Hà Giang)
Nhìn vẻ ngoài như cam bởi lớp vỏ sần sùi, nhưng quýt chum dễ bóc vỏ. Chúng mọng nước và ngọt mát. Khi chín màu vàng cam rất đẹp mắt và nặng trung bình hơn 100g một quả.
4. Quýt Bắc Kạn
Quýt vùng này có màu vàng tươi và vỏ dày nhẵn, tròn dẹt. Chúng có vị chua dịu, mùi thơm rõ ràng, để lại hương lâu. Hương vị quýt của vùng này cũng khác biệt với quýt nhiều vùng khác trên cả nước. Quýt Bắc Kạn chín rộ vào khoảng tháng 10 đến Tết Nguyên đán.
5. Quýt giấy
Quýt giấy vỏ rất mỏng và xốp, dễ bóc, có mùi thơm. Khi bóc vỏ, mùi thơm tinh dầu thanh mát rất dễ chịu.
Ngoài ra, còn một số loại quýt giống nhập như quýt Thái, Trung Quốc, quýt không hạt giống Úc,…
Với nhiều loại quýt khác nhau như vậy, hãy xem sở thích của chị em như thế nào, mua quýt về thử làm nước ép nhé.
Cách làm nước quýt
Nước quýt chẳng phải chỉ cần vắt quýt ra là xong rồi hay sao? Nghe dễ dàng thật đó nhưng thêm bước này sẽ giúp nước quýt của bạn thơm ngon và bổ dưỡng hơn.
Nước quýt nguyên bản cũng ngon nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn thêm một vài loại nguyên liệu khác. Bạn có thể không cho đường. Uống nguyên chất cũng ngon nhưng dậy vị thơm hơn nếu uống lạnh.
Cho quýt vào máy ép. Thêm xíu nước cốt chanh và mật ong, hòa tan và để lạnh khoảng 1 giờ trước khi sử dụng. Hoặc có thể dùng luôn nếu những trái quýt của bạn đã được giữ lạnh từ trước. Trang trí với một vài lá bạc hà sẽ giúp nước quýt thơm hơn.
Chúc bạn thành công với cách làm nước ép quýt này!
Một số lưu ý khi sử dụng nước quýt ép
– Người đang bị ho, sau phẫu thuật, không nên dùng nước ép cam quýt. Bởi hàm lượng axit citric cao và chất celluite sẽ khiến cơn ho thêm dai dẳng và vết mổ lâu lành.
– Không nên uống quýt ép khi đói hoặc vừa ăn xong. Không uống trước khi đi ngủ và trước khi đánh răng để tránh mất ngủ và men răng bị yếu.