Hồi ấy tôi nhớ có một cô hàng người dân tộc ngày thường vẫn chèo tam bản bán bún mắm giá hẹ rau thơm ngày hai lượt đi về ngang bến sông nhà tôi. Quãng từ sau rằm tháng mười trở đi ngoài đôi xịa bún luôn được đậy điệm bằng lá chuối tươi có thêm một thúng cốm cô bán dài cho đến Tết Nguyên đán.
Cốm dẹp vốn là thành quả từ mùa màng mà người Khmer dâng lên trời Phật lúc rỗi vụ vào lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn cho một năm mưa thuận gió hòa, đồng thời cầu nguyện cho một năm mới thuận lợi, bội thu.
Bà nội tôi kể hồi xưa sơ tán vào xóm Khmer, vào lễ cúng trăng, nội cùng mọi người trong phum sóc vẫn cùng nhau làm cốm dẹp.
Lúa nếp đỏ đuôi lẫn những bông xanh còn thơm mùi sữa được gặt về tuốt lấy hạt, ngâm qua nước. Ngâm độ nửa ngày thì vớt ráo mang rang lên. Rang từng chén một chỉ đủ tráng đáy một cái nồi đất, nên làm cốm mất rất nhiều thời gian và công sức.
Chờ nếp chín đều thì đổ vào cối để giã. Sẽ là hai người đàn ông sức vóc đệm chày làm từ gỗ của cây vú sữa già. Giã cốm không chỉ là việc nặng nhọc, mà còn là công đoạn yêu cầu sự khéo léo. Dùng sức nhưng không mạnh tay để hạt cốm dẹp nhưng không nát, tách trấu nhưng vẫn tròn, đều.
Để ra được thành phẩm còn phải qua công đoạn sảy sàng. Nhưng món cốm thơm hương nếp mới tươi nguyên sẽ không bao giờ khiến người thưởng thức thất vọng.
Đã thấm nhuần câu chuyện kể của bà nội nên bao giờ nghe tiếng rao cốm dẹp của cô hàng, tôi đều chạy vào vòi má mua ăn. Thời đó một lon cốm dẹp tương đương một lít chỉ hai trăm đồng, nhưng má cứ hẹn mấy chị em rằng để Tết nhé.
Hình như món gì ngon hoặc đặc biệt đều để dành cho Tết. Đến tận lúc má sai tôi ra mé sông đón ngoắc cô hàng ghé lại là tôi biết Tết đến rồi. Cô hàng luôn tươi cười khi ghé lại bến tôi. Cô thấp người, cỡ trạc tuổi mẹ tôi, làn da ngăm đen. Đi cùng là con gái cô trạc tuổi tôi, theo xuồng để tát nước.
Nhìn chị em tôi nheo nhóc, cô hàng luôn xúc lon cốm đầy hơn một chút. Và để người nhận đừng ngần ngại, cô luôn xởi lởi: “Của nhà em làm”.
Nội bao giờ cũng nhai những hạt cốm mộc chưa qua chế biến, ướp trộn để đón lấy cái ngon cái tâm huyết của những người làm ra hạt nếp. Chúng tôi thì vô tư lắm, cứ nhảy cẫng lên vì sắp được ăn quà.
Lon cốm mang lên, má vốc vào cái giần sàng. Đôi cánh tay đung đưa má sảy sàng bụi cám và vụn nhỏ. Chúng tôi như những con chim sâu trong truyện cổ tích cô Tấm ngồi nhặt những vỏ trấu nếp còn sót lại. Thấy mình được việc vô cùng.
Vo nhẹ cốm vào nước sạch cho sạch bụi lần nữa, má cho cốm vào chiếc rổ dày nan. Má ra hè ngước trật ót ngó đít dừa để chọn trái vừa ăn nhất.
Dừa rám vừa cứng cơm trộn cốm dẹp là ngon nhất. Vẫn còn lại chút dẻo chút ngọt nhưng cũng kịp kết tinh độ béo mà không quá khô. Nước từ trái dừa này đã the nhưng vị ngọt thì đằm và sâu không cần trộn thêm quá nhiều đường.
Má tôi chọn dừa mười lần chuẩn đủ mười lần. Thật phục những người nông dân nơi ruộng cạn đồng sâu, mỗi ngày gắn bó đến thuộc làu từng cái chuyển mình của cây trái lớn lên trong khu vườn nhà mình đến nỗi nhìn cau biết cau non, nhìn dừa biết dừa rám.
Cốm đã sẵn thì công đoạn trộn cũng cực kỳ là đơn giản. Má lột dừa đập ra lấy nước, nếm xem độ ngọt của nước tới đâu để pha thêm một ít đường. Dùng nước ấy má thêm vào cốm thô để cốm ngậm đều, rồi ủ cốm từ một đến hai tiếng.
Phần cơm dừa má nạo để trộn vào cốm là xem như món cốm dẹp đã hoàn tất. Cho cốm lên trên miếng lá chuối, hít một hơi thơm ngát mùi sữa nếp rồi dùng tay bốc từng miếng nhỏ cho vào miệng thật ngon quá xá là ngon.
Hạt cốm bùi dẻo, hương thoang thoảng mùi nếp hòa với mùi dừa, vị ngọt thơm thật vô cùng hấp dẫn, ăn không bao giờ ngán.
Đã nhiều năm tôi không còn được ăn cốm dẹp vào dịp Tết. Không nhớ từ bao giờ chiếc tam bản của cô hàng không còn xuôi ngược dưới bến sông. Chợ vẫn bán hằng hà nhưng có lẽ niềm vui và sở thích của tuổi lớn khôn không còn hồn nhiên như trước.
Nhưng vào những ngày gió bấc se se thế này, Tết đang đến cận kề thế này, tôi thường ước sao được một lần gặp lại những người năm cũ, chỉ để biết rằng họ vẫn bình an.