Tết cổ truyền Việt Nam luôn là dịp đoàn viên sum họp của các gia đình. Mâm cơm ngày Tết ngoài bánh chưng, dưa hành, giò, thịt… thì còn có thêm những món khác làm phong phú cho nét ẩm thực Việt trong những ngày Tết.
Và tôi tin, với mỗi người ở các vùng miền khác nhau sẽ có thêm những món khác nhau mà họ yêu thích, để rồi một lần nào đó nếu lỡ không về nhà ăn Tết sẽ phải nhớ đến quắt quay cái hương vị ấy.
Tôi cũng có một món để mà nhớ mà thèm như thế, ấy là món giò thủ mẹ tôi làm vào mỗi dịp Tết. Làm món giò thủ cũng chẳng mấy khó khăn, phức tạp như những món ngon cao sang nơi nhà hàng, nhưng nó đã lưu lại trong tôi một mùi vị đặc biệt thật khó quên. Chỉ cần đĩa giò thủ giản dị thôi là tôi có thể ăn ngon lành mấy bát cơm.
Chừng 28, 29 Tết, tùy theo thời tiết lạnh hay không, mẹ lại chuẩn bị làm món giò thủ. Mẹ ra chợ làng chọn lấy một cái thủ lợn mang về nhà. Thường thì mẹ phải dặn hàng thịt để cho từ trước, khi ra lấy mẹ sẽ kiểm tra xem có đủ “tiêu chuẩn” của mình đặt ra hay không rồi mới mua về.
Mẹ cẩn thận sơ chế sạch sẽ rồi xẻ thịt ra. Nào là thịt mũi, thịt thủ, nào là hai cái tai, rồi cái lưỡi lợn. Mẹ đem làm sạch mấy thứ ấy rồi dùng giấm và muối rửa lại một lần nữa. Sau đó mẹ đem thái mỏng tất cả rồi ướp gia vị thật vừa vặn và để đó chừng 30 phút.
Khi gia vị đã ngấm đều, mẹ bắt đầu công đoạn quan trọng nhất của món giò thủ. Bắc chảo lên bếp, mẹ phi hành tỏi thơm nức mũi. Mẹ cho bát mộc nhĩ đã thái chỉ vào xào thật nhanh, thêm chút ít gia vị, bột canh, hạt tiêu vào, sau đó trút ra một cái đĩa để riêng một bên.
Mẹ lại cho thêm dầu ăn vào chảo, đun nóng già và lại phi thơm hành tỏi. Khi mùi thơm lan ra cả gian bếp, làm cho mọi người trong nhà phải xuýt xoa và cười với nhau thích thú thì lúc ấy mẹ đem trút thịt thủ và tai lợn đã ướp lúc trước vào xào.
Mẹ đảo đều tay và liên tục để thịt chín đều đảm bảo không bị cháy. Công đoạn này mà lơ là thì có thể bị cháy sém, hỏng mất món giò thủ ngay, vì lúc này thịt rất hay bị dính vào chảo. Trong khi đảo mẹ không quên nêm thêm gia vị và nếm thử để biết độ vừa vặn đến đâu.
Khâu ướp gia vị lúc trước thực ra chỉ là ướp gia vị lần một, lần nêm nếm này mới là quyết định, ấy là kinh nghiệm của riêng mẹ. Khi thấy thịt thủ đã săn lại thì lúc này mẹ mới trút đĩa mộc nhĩ vào đảo thật đều một lúc rồi mới tắt bếp.
Và đây là khâu cuối cùng để làm ra một chiếc giò thủ, đó là khâu gói giò. Mẹ trút thịt đã xào ra mấy lớp lá dong đã xếp sẵn, dây lạt cũng đã trải sẵn bên ngoài. Thực ra, theo tôi thấy thì lúc này chẳng khác gì mấy so với lúc mẹ gói bánh chưng. Mẹ khéo léo vỗ vỗ, nén nén sao cho chiếc giò tròn đều, chắc chắn.
Chừng đã ưng ý rồi mẹ mới lấy nẹp tre nẹp xung quanh và dùng lạt siết cho thật chặt. Xong xuôi, mẹ mang chiếc giò đi cất nơi thoáng đãng. Cái khâu cất này tưởng dễ mà cũng không dễ chút nào. Nhớ có năm, chỉ sao nhãng không để ý một chút mà suýt nữa bị con mèo nhà hàng xóm tha đi mất. Cái kỷ niệm ấy làm mẹ tôi nhớ mãi.
Bây giờ mẹ tôi vẫn làm giò thủ vào mỗi dịp Tết. Nhưng mẹ lại sáng tạo ra cái khuôn đúc giò bằng vỏ chai nước ngọt 1,5 lít. Mới nghe thì có vẻ tiện lợi nhưng mẹ bảo mẹ vẫn không ưng như giò gói lá dong, nhưng tay mẹ đã yếu, lưng đau mỏi nên mẹ không thể ngồi tỉ mẩn như xưa nữa.
Có lần, người ta bảo mẹ nên cho giò vào ngăn mát tủ lạnh để giò nhanh đông cứng, nhưng mẹ đã không làm thế. Mẹ bảo, giò thủ phải để chừng hơn một ngày ở thời tiết lạnh thì khi ăn sẽ ngon hơn, cho vào tủ lạnh dễ bị đóng tuyết sẽ không thể ngon bằng.
Bất đắc dĩ có năm thời tiết nắng nóng hơn bình thường mẹ mới phải miễn cưỡng cho vào tủ lạnh.
Tôi dường như đã quen với món giò thủ mẹ làm trong mâm cơm ngày Tết. Chẳng hiểu vì sao năm nào cũng ăn mà tôi vẫn thấy ngon và nhận thấy nó có một vị rất riêng.
Món giò càng ngon thêm khi tôi nhớ tới sự cẩn thận và niềm vui những khi mẹ ngồi lụi cụi làm món giò này. Phải chăng, trong món giò thủ mà mẹ làm đã ướp thêm vào cả sự chăm chút, ân cần của người phụ nữ dành cho gia đình, cho con cái?
Tôi thường vừa ăn ngon lành những miếng giò thủ, lại vừa nhìn nụ cười tươi của mẹ khi nhìn tôi ăn, như hồi tôi còn nhỏ dại.
Thấy mẹ vui, tôi lại càng cố gắng biểu lộ cảm xúc thích thú của mình rõ hơn trên khuôn mặt để mẹ vui hơn nữa, vì tôi chợt nghĩ, làm sao có thể biết được mình sẽ còn được ăn món giò thủ mẹ làm thêm bao nhiêu Tết nữa? Nghĩ vậy mà lòng thấy rưng rưng!
Tôi nhủ thầm, rồi mình sẽ tự tay làm nên món giò thủ khi Tết về. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, sẽ chẳng có miếng giò thủ nào ngon bằng những miếng giò thủ của mẹ làm đâu…