Tháng Mười Hai 2, 2024
chai bep sau nha co noi kho qua 637e62b40fa0e

Chái bếp sau nhà có nồi khổ qua

Chái bếp sau nhà có nồi khổ qua - Ảnh 1.

Món khổ qua hầm ngon là khi có sự kết hợp giữa vị đắng nhẹ của khổ qua, vị ngọt của thịt, chút beo béo của mỡ, chút dai giòn của nấm mèo để tạo nên hương vị hài hòa, hấp dẫn cho món ăn này.

Theo quan niệm dân gian, “khổ qua” có nghĩa là mọi khó khăn, đau khổ, những điều không may mắn sẽ qua đi và năm mới sẽ tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Thành ra các con của má đi lấy vợ lấy chồng, người hạnh phúc người lận đận thì Tết vẫn nhớ về với má, về với chái bếp nhà mình.

Chái bếp của nhà tôi, và hẳn nhiên cũng là đặc điểm chung của những ngôi nhà quê ở Nam Bộ, là “căn nhà thêm” của căn nhà chính. Nơi đó để dành nấu ăn cho khỏi ám khói lên “nhà trên” vì hồi xưa toàn nấu bằng bếp củi.

Chái bếp của má tôi lợp bằng lá dừa nước, cột tràm khẳng khiu, sạm đen vì khói củi. Cứ hễ gà vừa gáy sáng, má đã lui cui mồi ngọn đèn hột vịt, lấy nắm lá dừa nhóm bếp lửa đỏ rực. Má vo gạo nấu cơm, chưng mấy con mắm đồng để đem theo ra ruộng.

Nơi chái bếp, những bữa cơm đầm ấm ngày Tết và những mẻ mứt gừng, mứt chuối cứ tỏa hương, mang hương xuân hương đời lan tỏa.

Làm mứt gì thì làm nhưng bao giờ cũng có mẻ mứt khóm và một nồi khổ qua hầm. Má nói: “Con Út nó ưa ăn mứt khóm, còn thằng Hai thì ưa nhất khổ qua hầm!”. “Ưa” là thích, còn thằng Hai là tôi đây.

Mấy đứa em thì luôn miệng nhắc đến cái xịa má treo phía trên giàn bếp. Đó là nơi má đựng gia vị linh tinh, củ hành, củ tỏi và nhất là khi có mấy củ khoai lùi tro thì má để trên đó, dành phần cho sắp nhỏ đi học về chống đói.

Lúc rảnh, má kêu tôi lội đi kiếm lá mơ về làm bánh lá. Đó là thứ bánh rẻ tiền, dễ chế biến nhưng ngon không thể tả với tuổi thơ anh em tôi bởi cái thời nghèo khó, thèm bánh khát trái cùng cực.

Hễ nhắc đến Tết là nhắc về những kỷ niệm không thể nào quên, một bức tranh tuyệt đẹp, nhất là món khổ qua hầm. Muốn có một nồi khổ qua hầm ra trò cũng không phải chuyện đơn giản đâu, phải có gu lắm đấy.

Chái bếp sau nhà có nồi khổ qua - Ảnh 3.

Nguyên liệu cho món khổ qua hầm

Khổ qua phải biết lựa trái vừa ăn, suông, cắt đôi, loại bỏ phần ruột, rửa sạch. Thịt dồn vào khổ qua lựa loại có dính ít mỡ, bằm nhuyễn cùng bún tàu, nấm mèo, ướp gia vị vừa ăn, hầm cùng nước dùng hoặc nước dừa tươi.

Theo má tôi, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nấu món canh khổ qua nhồi thịt, để nồi canh khổ qua thơm ngon tròn vị thì nên hầm xương ống heo trước khoảng 1 giờ đồng hồ để làm nước dùng, khi đã đủ độ ngọt thì thả khổ qua vào cho sôi bùng lên. Vớt bọt để nước canh trong, lửa nhỏ liu riu cho đến khi khổ qua hầm nhừ.

Ngày Tết ngán dầu ngán mỡ, được ăn miếng canh khổ qua vị đắng nhẹ, hậu ngọt sẽ cảm thấy mát người, dễ chịu. Phần vỏ mềm, vị đắng, phần nhân ngọt thơm vị thịt hoặc cá, giòn sật sật và thơm hương của nấm mèo.

Hơn nữa, trái khổ qua có hàm lượng calo và carbs thấp song nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng. Các vi chất dinh dưỡng trong khổ qua gồm vitamin A, B, C, can xi, ka li, phốt pho, kẽm, đồng, sắt, ma giê và chất chống oxy hóa hữu ích như lutein và zeaxanthin rất là tốt cho sức khỏe.

Món canh khổ qua tuy dân dã, được nấu với những nguyên liệu đơn giản, nhưng trong mâm cơm ngày Tết, món canh này lại mang nhiều ý nghĩa khác biệt.

Chẳng biết từ bao giờ sự xuất hiện của món ăn này trên mâm cỗ lại khiến người ta an tâm đến lạ, như thể mọi vất vả rồi cũng sẽ qua. Món canh chính là cách lấy hên đầy tính tự sự, vì chỉ cần ăn nó vào tiễn năm cũ và đón chào, bước vào năm mới thì mọi sự sẽ hanh thông thôi.

Đánh giá cho bài post
Chia sẻ bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *