Cứ vậy năm này qua năm khác, từ thuở còn nghèo đến tận ngày hôm nay. Thành thử một món ăn dân dã như cháo gà lại nhắc tôi hoài niệm về Tết hơn những món ăn đậm vị Tết khác.
Tôi yêu không khí sáng mùng một ở nhà mình. Mẹ tôi dậy sớm nhóm bếp than hồng rực, bắc ấm nước, giống như bao buổi sáng khác trong đời. Ba tôi mặc quần áo chỉnh tề, đứng thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, thái độ kính cẩn và trang nghiêm.
Chị gái tôi hân hoan lôi thùng các tông đựng bánh kẹo trong tủ ra khui, chuẩn bị dọn lên mời khách. Bánh kẹo mẹ mua trước đó cả tuần nhưng không cho bọn tôi nếm thử cái nào, chờ đúng mùng một mới được mở. Con nít thích Tết là thế, để được ăn kẹo thỏa thuê.
Khi tôi tuột khỏi giường, mùi nhang trầm vấn vít quanh mũi. Cảm giác ấm áp và bình yên dâng lên trong lòng. Sau bếp, nồi cháo gà đang sôi sùng sục. Mẹ giục tôi và các em mau mau rửa mặt đánh răng để còn ăn sáng.
Cháo gà mẹ nấu cực kỳ đơn giản. Mẹ phi thơm hành tăm, cho thịt gà đã được chặt nhỏ vào đảo sơ rồi đổ nước vào ninh. Gạo vo sạch. Đậu xanh cà vỡ hạt, đem ngâm nước nóng khoảng nửa tiếng rồi đãi vỏ.
Chừng nào nước trên nồi sôi, mẹ cho đậu xanh và gạo vào. Lâu lâu mẹ dùng vá khuấy đều để gạo không bị dính dưới đáy nồi. Cháo chín, mẹ nêm nếm gia vị và bỏ rau thơm.
Luôn có hũ ớt bột và mấy trái ớt tươi trên mâm cơm gia đình tôi. Trừ tôi và bé út không ăn cay được, còn thì mọi người ai cũng rắc ớt đỏ cả tô cháo.
Ba tôi nhai ớt trái thản nhiên như người ta nhai dưa leo. Phải ớt thật cay mới khoái! Hầu như người miền Trung đều thích ăn cay như vậy.
Chúng tôi ngồi quây quần bên nồi cháo nóng. Mẹ cẩn thận múc cháo ra tô cho từng người, càng nhỏ tuổi càng được ưu tiên miếng ngon.
Đến lượt tô của ba và mẹ thì chỉ toàn cổ cánh, xương xẩu. Hồi bé tôi không để tâm, lớn lên mới hiểu ba mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, từ những thứ nhỏ nhặt như cái ăn, cái mặc.
Ăn sáng xong, mọi người xúng xính quần áo đẹp chuẩn bị đi chơi. Mẹ gọi chị em tôi lại phát tiền lì xì và chúc mừng năm mới. Mùng một của chúng tôi luôn diễn ra theo cách đó.
Có những năm nghèo xác xơ. Bão lũ càn qua thôn xóm, tan hoang nhà cửa. Lúa gạo mất mùa. Mẹ rầu rĩ nhìn chum gạo cạn dần, lo qua giêng phải chạy ăn từng bữa. Chị gái tôi hiểu chuyện, dặn mấy đứa em không được đòi quần áo mới, cũng đừng trông chờ tiền lì xì.
Vậy mà bằng cách nào đó, mẹ vẫn xoay xở lo cho chúng tôi một cái Tết trọn vẹn. Có mứt có kẹo. Có quần áo mới, tuy chỉ là loại rẻ tiền.
Có thược dược, lay ơn nở rực rỡ trước khoảng sân nhỏ. Và sáng mùng một vẫn được bắt đầu bằng nồi cháo gà tỏa khói nghi ngút. Như thể mẹ muốn nhắn nhủ: “Dù cuộc sống cực nhọc thế nào, mẹ cũng không tước đi niềm vui thơ trẻ của các con”.
Tôi đã đón Tết xa quê đôi lần. Khi một mình trong căn phòng trọ mười hai mét vuông. Khi ở nhà chồng với những khuôn mặt và giọng nói xa lạ.
Sáng mùng một mở mắt ra, tôi lại tưởng như ngửi thấy mùi nhang trầm, nghe tiếng mẹ gọi ra ăn cháo, nghe chị tôi xuýt xoa khen loại kẹo nào đó ngon lắm, đứa nào dậy muộn coi chừng tiếc, và không thể nào thiếu tiếng cười nói rộn ràng của các em tôi.
Mùi vị món cháo gà sáng mùng một không giống cháo gà ngày thường, dù cách nấu y chang đi nữa. Đó là mùi vị của hạnh phúc, của những năm tháng ấu thơ êm đềm, của gia đình dấu yêu.
Ta nhớ tha thiết một món ăn không phải vì nó ngon hay dở, mà vì những kỷ niệm gắn liền với món ăn đó. Như tôi luôn nhớ về nồi cháo gà của mẹ vào ngày đầu tiên của năm mới với những rung cảm đẹp đẽ trong lòng.