Buôn Ma Thuột không chỉ có cà phê thượng hạng với hương vị thơm ngon đậm đà mà còn nhiều đặc sản nức tiếng gần xa như chóe rượu cần say nồng, con gà sa lửa được ướp nướng cực kì công phu, những ống cơm lam thơm ngát, đặc biệt là món bún đỏ hấp dẫn không nơi nào sánh được.
Bún đỏ là đặc sản bình dân của người Đăk Lăk, được ví như màu của vùng đất bazan, tên gọi của món ăn theo màu sợi bún với phần nước dùng nổi bật màu đỏ cam bắt mắt.
Dù có đôi nét tương đồng với món canh bún của người miền Nam nhưng bún đỏ nức tiếng ở “thủ phủ cà phê” có sợi bún to, chắc, giống bánh canh hoặc bún bò Huế nhưng nhỉnh hơn, cỡ bằng chiếc đũa, ăn dai và giòn.
Khác với những món nước cầu kỳ như phở Hà Nội, bún chả cá Quy Nhơn, bún bò Huế hay bún mắm Cần Thơ, bún đỏ Ban Mê vô cùng dân dã, lạ miệng và đặc biệt thơm ngon. Thoạt trông, món bún đỏ khá giống bún riêu cua nhưng gạch cua được làm từ thịt cua nguyên chất, thịt lợn và tóp mỡ xay nhuyễn, thêm rau cải (hoặc rau cần), giá đỗ, và đương nhiên không thể nào thiếu được mấy quả trứng cút luộc.
Điều đặc biệt làm nên thương hiệu cho món bún đỏ Buôn Ma Thuột chính là nước dùng. Nước dùng của bún đỏ Ban Mê được ninh từ thịt cua đồng và xương lợn, xương bò, mang đến vị ngọt thanh rất dễ ăn. Người nấu còn khéo léo thêm chút gạch cua, tôm và thịt ba chỉ xay nhuyễn, trộn đều cùng tiêu, hành củ băm nhỏ rồi nặn thành từng viên tròn thả vào để nồi nước dùng được đậm đà, hương vị thơm ngon đặc trưng, không thể bị nhầm lẫn với bất kì món bún nào khác.
Bún đỏ Ban Mê được lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng, không thể tùy tiện “lựa ào ào, loại nào cùng được”. Bún dùng để nấu phải là bún sợi to, có độ dai và thơm.
Trước khi nấu, bún có màu trắng nhưng sau khi đun khoảng 10 phút thì sợi bún sẽ từ từ chuyển sang màu đỏ. Do được ngấm các gia vị tẩm ướp từ trước nên nước dùng sẽ thơm ngon hơn. Theo chia sẻ của người dân địa phương, sở dĩ món bún đỏ càng trở nên bắt mắt bởi trong quá trình chế biến, người đầu bếp đã khéo léo sử dụng lượng dầu màu điều nhất định vừa tạo màu đỏ tự nhiên, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để sợi bún được mềm và ngấm đều gia vị, người nấu phải canh chừng thời gian bỏ bún vào nồi, không bỏ quá sớm, cũng không cho bún vào khi nước dùng đã sôi quá lâu. Bún được nấu trong nồi nước dùng khoảng 10 phút để sợi bún hơi nở là vừa miệng nhất.
Về cách chế biến, những miếng gạch cua, thịt băm cùng trứng cút được thả trong nồi, đến khi làm bún để ăn thì mới vớt ra cho vào bát rồi chan nước dùng. Điểm đặc biệt là nấu càng lâu, miếng gạch cua, thịt heo càng nhừ, càng đậm vị và nước dùng càng thêm ngọt.
Với bàn tay khéo léo của người chế biến, tô bún đỏ trở nên hấp dẫn với đa dạng sắc màu, mùi vị vô cùng quyến rũ như màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ tươi của cà chua cắt hình múi cau, màu xanh tươi non của rau, thêm màu nâu của chả cá, riêu cua, màu trắng nõn nà của trứng cút luộc… trông vừa bắt mắt lại vừa kích thích vị giác!
Bún đỏ không ăn kèm với các loại rau sống, rau thơm thông thường mà phải là rau cần nước hoặc cải ngọt, giá đỗ được chần sơ qua cùng một số phụ gia như hành củ băm nhỏ phi thơm với tóp mỡ rán giòn, thêm chút mắm tôm tim tím màu hoa cà, ớt xay và trứng cút luộc. Trứng cút sau khi luộc chín được bóc sạch vỏ, cho vào nồi nước dùng nổi màu đỏ gạch hấp dẫn.
Người ăn có thể vắt thêm chanh, quất hoặc giấm để cân bằng hương vị, tránh bị ngấy do tô bún có nhiều nhân. Húp thử muỗng nước lèo, thực khách sẽ thấy vị ngọt thanh lan tỏa xuống tận bao tử. Rồi tiếp tục gắp miếng bún kèm miếng rau, thêm miếng chả viên, trứng cút béo ngậy.
Nhiều người bảo, bún đỏ là sự biến tấu, pha trộn hài hòa nhiều món đặc sản quen thuộc như bánh canh hay bún riêu nhưng rõ ràng, bún đỏ Buôn Mê Thuột có hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng.
Bạn có thể thưởng thức cà phê Tây Nguyên vào bất kì khung giờ nào trong ngày nhưng muốn ăn bún đỏ thì bạn phải biết “canh giờ”. Đây không phải thức quà sáng phổ biến của người dân nên buổi sáng, bạn có tìm “đỏ mắt” khắp các hàng quán, chợ búa trong thành phố cũng không thấy nơi nào bán món ăn đặc trưng này.
Thế nhưng, khoảng 3-4 giờ chiều đến tận khuya, đi bất cứ đâu bạn cũng gặp bún đỏ. Từ những hàng quán trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, đến đường nhỏ hơn, rồi những gánh hàng rong trong hẻm, trong chợ… Có quán bán đến 1-2 giờ sáng, phục vụ nhu cầu ăn uống của công nhân lao động và những người làm việc ca đêm.