“Đặc sản” trong các bữa sáng của người Việt Nam thường là bún phở, với đa dạng thể loại từ bún ngan, bún ốc, bún chả, bún riêu cua… loại nào cũng thơm lừng và đậm đà hương vị.
Các món bún phở là thực phẩm rất ngon lành và giàu dinh dưỡng cho bữa sáng, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo có 3 kiểu ăn bún phở gây ung thư mạnh, nhiều người Việt đang phạm phải mà không biết.
3 kiểu ăn bún dễ gây ung thư
1. Tiêu thụ bún quá trắng, quá dai giòn
Bún là thực phẩm ăn liền và được bán khắp các chợ, nhiều chuyên gia nói rằng thành phần phụ gia để sản xuất bún là gì thì khó mà kiểm soát được vì bún không được ghi bao bì, thành phần, phụ gia sử dụng.
Tuy nhiên, PGS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết từ trước đến nay rất nhiều lần làm xét nghiệm thì đã chỉ ra trong bún có chất huỳnh quang được gọi là tinopal. Chất này thường được cơ sở sản xuất thêm vào để sợi bún được trong, dai ngon hơn.
Tinopal chủ yếu dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải, sợi, mực in, mỹ phẩm… chất này vô cùng nguy hiểm, có thể gây suy gan, suy thận và lâu dần dẫn đến ung thư nhưng nhiều cơ sở vẫn bất chấp sự nguy hiểm này để kiếm lời.
Ngoài huỳnh quang, hàn the cũng là chất cấm thường được gian thương sử dụng để làm bún. Nếu sử dụng hàn the lâu ngày có thể gây ngộ độc tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, gây hại cho thận.
Để mua bún sạch, các bà nội trợ nên chọn bún có màu đục như màu hạt cơm, bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn.
2. Ăn bún quá nóng
Những bát bún khi phục vụ tại bàn đều nóng sốt, vừa thổi vừa ăn, nhiều người thích cảm giác xì xụp bát bún nóng hổi để có cảm giác ấm bụng. Tuy nhiên, tiêu thụ thực phẩm quá nóng đã được WHO liệt kê là một trong những nguyên nhân gây ung thư. WHO phân loại thực phẩm quá nóng nghĩa là cao hơn 65 độ C, chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thực quản.
Lý do là bởi nhiệt độ cao sẽ làm tổn thương thực quản, khoang miệng… lâu dần sẽ tăng sinh tế bào ung thư. Để bảo vệ cho sức khỏe, các gia đình nên chờ cho bún nguội bớt trong khoảng 50-60 độ C rồi mới ăn. Có thể chia bún ra bát ăn nhỏ để bún nguội nhanh hơn.
3. Nuốt bún vội mà không cần nhai
Bún và phở đều là thực phẩm nhiều nước, vì vậy sẽ khiến người ăn có xu hướng nhai nhanh, nuốt vội. Thói quen ăn bún phở quá nhanh, nhai không kỹ sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa hết ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày.
Vào năm 2017, phòng khám tiêu hóa nhi của Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận mỗi ngày 70-80 trường hợp đến khám, làm nội soi tiêu hóa. Các bác sĩ ngạc nhiên khi phát hiện thấy sợi bún, phở vẫn còn nguyên trong đường tiêu hóa của trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiều trường hợp bị viêm loét dạ dày vì lạm dụng bún, đồng thời nhai bún không kỹ. Bác sĩ khuyên phụ huynh nên hạn chế cho trẻ nhỏ ăn bún. Những người đang mắc bệnh về tiêu hóa không nên ăn bún vì nếu ăn nhiều bún dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
Bên cạnh đó, một số ít cơ sở sản xuất bún có thể sử dụng chất làm trắng hay hàn the… vì thế phụ nữ sau sinh không nên ăn bún, nếu chẳng may ăn phải loại bún kém chất lượng như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con.